Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác thu nội địa ngân sách nhà nước do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 02/CT-UBND
Ngày ban hành 30/01/2019
Ngày có hiệu lực 30/01/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Đức Long
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Quảng Ninh, ngày 30 tháng 01 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THU NỘI ĐỊA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Trong những năm qua, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều hoàn thành vượt dự toán được giao Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tuy nhiên, kết quả, cơ cấu thu nội địa chưa bền vững, số thu ngân sách nhà nước vẫn còn phụ thuộc nhiều vào số nộp ngân sách của các doanh nghiệp ngành than và thu tiền sử dụng đất. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu nội địa năm 2019 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, đồng thời tạo sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu thu nội địa theo hướng tăng dần tỷ trọng thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đồng thời với triển khai hiệu quả các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Quyết định số 5578/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về một số cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2019, cần quan tâm tiếp tục triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ; giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cnahj tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý, đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước trên các lĩnh vực:

1.1. Lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản:

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định bảng giá 5 năm 2020-2024. Chủ động rà soát tổng thể các hợp đồng thuê đất, thời hạn thực hiện các hợp đồng cho thuê mặt đất, mặt nước để thực hiện các thủ tục chấm dứt, kéo dài hoặc ký kết hợp đồng cho thuê mới theo quy định; chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kịp thời giá đất của các dự án có thu tiền sử dụng đất để chuyển thông tin cho cơ quan thuế đôn đốc thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

- Giao Sở Tài chính chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hệ số giá đất hàng năm đảm bảo phù hợp, tiệm cận sát với giá thị trường (đặc biệt lưu ý đối với giá đất tại các địa phương có diễn biễn thị trường bất động sản sôi động như thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thành phố Móng Cái, thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn...); nhằm khắc phục hành vi khai giá thấp trong các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất để giảm thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

- Sở Tư pháp chủ trì đề xuất các giải pháp quản lý hợp đồng mua bán, cho thuê nhà, đất nhằm chống thất thu ngân sách; có hướng dẫn cụ thể tới các Phòng công chứng tư nhân để thống nhất triển khai trong toàn tỉnh. Cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi có dấu hiệu gian lận và khai giá thấp hơn giá trị thực tế giao dịch.

- Cục Thuế tỉnh: Theo dõi tiến độ triển khai dự án, tình hình kê khai, nộp thuế của các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn; kiểm tra, giám sát hồ sơ khai quyết toán thuế của của các dự án trên địa bàn, cụ thể:

+ Các hình thức liên doanh với chủ đầu tư để được ủy quyền chuyển nhượng bất động sản, người được ủy quyền làm trung gian khai giá chuyển nhượng bất động sản không phù hợp với giá thị trường, số tiền chênh lệch do khâu trung gian thu theo thỏa thuận, không được phản ảnh trên sổ sách kế toán làm sai lệch kết quả kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

+ Chuyển nhượng dự án kèm theo chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các trường hợp chuyển nhượng vốn dẫn đến thay đổi chủ sở hữu quyền sử dụng đất (chuyển nhượng vốn gắn với bất động sản).

+ Tiếp tục triển khai việc kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có thu tiền theo tiến độ; trong đó tập trung kiểm tra đối với các dự án của chủ đầu tư là các doanh nghiệp ngoại tỉnh, có phát sinh việc đầu tư chuyển nhượng bất động sản; các hoạt động mua bán, chuyển nhượng và cho thuê căn hộ khách sạn/biệt thự resort trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để thu lệ phí trước bạ, thu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản bằng phương thức điện tử.

1.2. Lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch:

- Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán: Ủy ban nhân dân các địa phương chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh, Sở Du lịch, Cục quản lý thị trường, Cảng vụ đường thủy nội địa và các tổ chức có liên quan lập đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát tình hình thực tế kinh doanh của cá nhân kinh doanh các nhà hàng, khách sạn (bao gồm cả các Trung tâm tổ chức hội nghị, tiệc cưới), tàu du lịch phục vụ khách thăm quan trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, xác định quy mô, năng lực kinh doanh, dự kiến doanh thu và số thuế phải nộp theo từng lĩnh vực kinh doanh, từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 31/3/2019. Trường hợp xác định hồ sơ khai doanh thu, số thuế phải nộp thấp hơn so với kết quả khảo sát của đoàn liên ngành và thấp hơn so với mức thuế khoán, phải yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin tài liệu, xác định lại doanh thu khoán, mức thuế khoán cho thời gian còn lại của năm tính thuế.

- Đối với doanh nghiệp: Cục Thuế tập trung thực hiện phân tích thông tin, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với những trường hợp có rủi ro cao về thuế, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định về khi thuế, nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

- Mở rộng vận động, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ; trong đó tập trung triển khai ngay tại các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh ăn uống tại các thành phố, thị xã (Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn...)

1.3. Lĩnh vực giao thông vận tải:

- Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về số lượng phương tiện, dữ liệu giám sát hành trình cho cơ quan Thuế để ngăn chặn hành vi trốn thuế ngay từ khi doanh nghiệp thực hiện khâu kiểm định; đồng thời phối hợp xử lý các doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế như không cấp phép hoặc không gia hạn giấy phép cho các doanh nghiệp này.

- Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vận tải, như: các hãng taxi, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn (hợp đồng vận tải khách du lịch)...

1.4. Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán:

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ cá nhân kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 và của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 29/5/2017 (tập trung những địa bàn trọng điểm), trong đó yêu cầu:

- Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo Chi cục Thuế, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

+ Tăng cường công tác quản lý các hộ kinh doanh trên địa bàn, rà soát số hộ có sản xuất, kinh doanh, bao gồm hộ mới ra kinh doanh, hộ nghỉ kinh doanh, chuyển địa điểm kinh doanh ...; kịp thời đưa các hộ có hoạt động sản xuất kinh doanh đưa vào quản lý. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn, chứng từ khi bán hàng, cung ứng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, tập trung lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ; khuyến khích các hộ kinh doanh lớn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, khách sạn, tàu du lịch, công nghiệp sản xuất sử dụng thường xuyên trên 10 lao động đang nộp thuế theo phương pháp khoán thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

+ Tổ chức thống kê lập danh bạ kinh doanh trên địa bàn; tiến hành khảo sát, điều tra doanh thu, áp dụng tỷ lệ % tính thuế sát thực tế kinh doanh. Thực hiện niêm yết công khai thông tin về hộ kinh doanh nộp thuế khoán tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, trụ sở Đội thuế, Ban quản lý chợ... và thông báo công khai địa điểm niêm yết cho hộ kinh doanh biết.

+ Đổi mới cách thức hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế tại các xã, phường để tránh hình thức, hoạt động không hiệu quả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường trong công tác thu thuế, phí.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tuyên truyền về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 148/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới thành lập, đặc biệt khuyến khích các hộ cá nhân kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động sang loại hình doanh nghiệp.

1.5. Lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản:

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về thủ tục cấp phép khai thác đối với đất san lấp trên địa bàn tỉnh theo quy định (hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 151/BTNMT-ĐCKS ngày 10/01/2019 và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II tại mục 2.3, Phần thứ hai Báo cáo kiểm toán Chuyên đề đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư tại các Khu kinh tế).

[...]