Chỉ thị 02/CT-BXD năm 2010 thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 02/CT-BXD
Ngày ban hành 28/06/2010
Ngày có hiệu lực 28/06/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Trần Nam
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-BXD

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN XUẤT KINH DOANH, MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG, ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU, HẠN CHẾ NHẬP KHẨU CÁC SẢN PHẨM VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRONG NƯỚC ĐÃ SẢN XUẤT ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC BỘ

Ngày 28/6, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị 02/CT-BXD về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ.

Năm 2010, cùng với nền kinh tế cả nước, các doanh nghiệp thuộc Bộ bước vào năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2006-2010, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra. Tình hình kinh tế xã hội nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng trong những tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực, đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ (giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ trong 05 tháng đầu năm tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2009). Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế vĩ mô có một số biểu hiện chưa ổn định, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đã đề ra cho năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 về những giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.

Để triển khai Nghị quyết nêu trên, nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp thuộc Bộ khoảng 14-15% trong năm 2010 và hoàn thành kế hoạch 05 năm 2006-2010, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty mẹ các Tập đoàn, Công ty mẹ các Tổng công ty và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tập trung thực hiện những công việc chủ yếu sau đây:

1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 của Chính phủ về những giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết nêu trên được ban hành kèm theo Quyết định số 472/QĐ-BXD ngày 22/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; trong đó việc thực hiện các giải pháp nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu được coi là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.

2. Đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ :

2.1. Chủ động triển khai các biện pháp để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ Xây dựng về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

2.2. Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010 từ đó đề ra và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của đơn vị đã đăng ký với Bộ từ đầu năm.

2.3. Tập trung kiểm tra, kiểm soát các chi phí đầu vào, chủ động về nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu để ổn định sản xuất; tiết kiệm và giảm tối đa chi phí ở tất cả các khâu từ sản xuất đến bán hàng để giảm giá thành, hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá đầu vào.

Đối với sản phẩm clinker và xi măng: nâng cao chất lượng xi măng; tập trung sản xuất các loại xi măng mác cao, giảm dần tỷ trọng xi măng PCB30.

Các nhà máy xi măng phải triệt để áp dụng phương án sử dụng nhiệt thừa để tự phát điện phục vụ cho sản xuất xi măng nhằm giảm chi phí điện năng, hạ giá thành sản phẩm kết hợp xử lý môi trường triệt để hơn.

Đối với các sản phẩm gạch ốp lát, ceramic, granit, Cotto: các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư chiều sâu về công nghệ, đầu tư cho công tác thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ trang trí mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng sức cạnh tranh.

Đối với các sản phẩm sứ vệ sinh và kính xây dựng: chú trọng đầu tư chiều sâu về công nghệ, có kế hoạch đào tạo cán bộ, thuê thêm chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản lý vận hành và thiết kế mẫu mã sản phẩm mới để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước và xuất khẩu sang nước khác.

2.4. Tăng cường công tác tiếp thị, thông tin thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp cả ở thị trường trong nước và trên thế giới; tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các đơn vị sản xuất với các hộ tiêu thụ lớn. Mở rộng và đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh để đảm bảo lợi nhuận và thị phần.

Tổ chức tốt, hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng do đơn vị sản xuất để ngăn chặn tình trạng đầu cơ; thực hiện công khai, minh bạch giá bán và tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý, không tăng giá bất hợp lý, tích cực tham gia vào việc bình ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xi măng, thép.

Phấn đấu xuất khẩu đạt 5-10% sản lượng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước.

2.5. Các doanh nghiệp nhập khẩu clinker phải thực hiện nghiêm túc các quy định Thông tư 01/2010/TT-BXD ngày 08/01/2010 về quy định công tác quản lý chất lượng clinker pooc lăng thương phẩm và đồng thời phải xây dựng kế hoạch dùng clinker sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu trong các tháng cuối năm 2010 và các năm tiếp theo.

Tại các công trình, dự án do các doanh nghiệp thuộc Bộ làm chủ đầu tư: ưu tiên sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng mà trong nước đã sản xuất được, đáp ứng yêu cầu chất lượng đáp ứng được các yêu cầu về kỹ, mỹ thuật cũng như về giá cả, hạn chế sử dụng hàng nhập khẩu.

3. Tại các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài: cần chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước chủ động và đôn đốc thực hiện nghĩa vụ xuất khẩu theo cam kết được quy định trong giấy phép đầu tư.

4. Vụ Vật liệu xây dựng: chủ trì hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp trong việc xác định danh mục các sản phẩm vật liệu xây dựng, thiết bị xây dựng mà trong nước đã sản xuất được và đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào của các dự án, công trình, hạn chế tối đa việc nhập khẩu và ưu tiên sử dụng trong các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ.

Chủ trì, nghiên cứu, trình Bộ ban hành Danh mục các các sản phẩm vật liệu xây dựng, thiết bị xây dựng trong nước đã sản xuất được, thay thế hàng nhập khẩu trong các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách do Bộ Xây dựng quản lý.

5. Vụ Kế hoạch Tài chính: chủ trì, phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng tổng hợp tình hình và kết quả xuất nhập khẩu hàng tháng để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu góp phần kiềm chế nhập siêu.

6. Vụ Hợp tác quốc tế: chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Vật liệu xây dựng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, thị phần xuất khẩu cho các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ có các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng hàng hoá xuất khẩu; phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế về chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hoạt động thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá.

7. Vụ Khoa học công nghệ: chủ trì, phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát và tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản thiết lập các hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam; tăng cường kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn để bảo đảm chất lượng hàng nhập khẩu cũng như hạn chế nhập khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất được

Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng.

Thủ trưởng các Cục, Vụ chức năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty mẹ các tập đoàn, Công ty mẹ các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

[...]