Chỉ thị 02/2000/CT-BTP về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tài sản Nhà nước thuộc ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 02/2000/CT-BTP
Ngày ban hành 31/07/2000
Ngày có hiệu lực 31/07/2000
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đình Lộc
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2000/CT-BTP

Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2000 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC THUỘC NGÀNH TƯ PHÁP

Trong những năm qua công tác quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của các đơn vị thuộc ngành Tư pháp bước đầu đã có những tiến bộ và đang đi dần vào nề nếp. Hầu hết các tài sản được Nhà nước giao cho ngành đều được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm có hiệu quả. Một số đơn vị đã chủ động xây dựng nội quy quản lý, sử dụng tài sản trong đơn vị mình một cách hợp lý, bảo đảm nhu cầu công tác, theo tinh thần công khai hoá, dân chủ, đúng qui định. Tuy vậy, nhìn chung việc sử dụng tài sản Nhà nước, kinh phí vẫn còn tình trạng tuỳ tiện, buông lỏng, ý thức quản lý, giữ gìn tài sản công của cán bộ, công chức chưa được đề cao.

Để triển khai thực hiện tốt Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước và Quyết định số 615/2000/QĐ-BTP ngày 14/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế Quản lý tài sản Nhà nước thuộc Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ thị các đơn vị trong ngành tập trung thực hiện một số việc sau đây:

1. Phổ biến, quán triệt Quy chế Quản lý tài sản.

Chánh án Toà án nhân dân địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Thi hành án, Đội trưởng Đội Thi hành án, Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Giám đốc Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp, Tổng biên tập Báo Pháp luật, Thủ trưởng các Cục, Vụ, Viện, Tạp chí Dân chủ - Pháp luật thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt Quy chế Quản lý tài sản Nhà nước thuộc Bộ Tư pháp đến cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình; phối hợp với công đoàn tổ chức việc kiểm điểm, đánh giá về công tác quản lý sử dụng tài sản của cơ quan, đơn vị mình trong thời gian qua; xác định cụ thể ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại cần chấn chỉnh, làm cơ sở cho việc xây dựng Nội quy quản lý sử đụng tài sản của đơn vị.

2 - Xây dựng Nội quy quản lý, sử dụng tài sản của từng đơn vị.

Trong quý IV năm 2000, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo xây dựng xong Nội quy quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan, đơn vị mình trên cơ sở Quy chế Quản lý tài sản Nhà nước thuộc Bộ Tư pháp. Nội quy phải quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân trong việc quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản được Thủ trưởng đơn vị giao. Đối với các Toà án huyện, quận, thì xã, thành phố thuộc tỉnh, Đội Thi hành án được Bộ trang cấp xe máy công phải quy định xe máy chỉ phục vụ cho công tác chung của đơn vị, ngoài giờ làm việc mọi cá nhân không được sử dụng vào việc riêng.

Đối với tài sản có giá trị lớn như: ô tô, xe máy, máy vi tính, máy photocopy, máy điều hoà nhiệt độ... phải có chế độ định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên.

Từng phòng làm việc, từng đơn vị công tác chuyên môn, các Toà chuyên trách, đều phải có sổ theo dõi tài sản (theo dẫu số S32- H, ban hành theo Quyết định số 999/TC/ QĐ/ CĐKT ngày 02/1 1/1996 của Bộ Tài chính).

3 - Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Quy chế quản lý tài sản đối với Phòng Thi hành án, các Đội Thi hành án và Toà án nhân dân cấp huyện, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Bộ trưởng tình hình quản lý, sử dụng tài sản của các đơn vị

4 - Hàng năm tất cả các đơn vị phải tiến hành kiểm kê tài sản. Riêng về kiểm kê tài sản cuối năm 2000, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm kê. Qua kiểm kê để rà soát, đối chiếu số tài sản cố định thực có và số hiện đang phản ánh trên sổ sách kế toán, đánh giá chính xác về số lượng, chất lượng số tài sản cố định trong đơn vị, báo cáo kết quả kiểm kê để Bộ có cơ sở lập kế hoạch mua sắm, sửa chữa hàng năm.

Từ năm 2001 trở đi, Bộ chỉ duyệt cấp mua sắm bổ sung tài sản cho các đơn vị đã có báo cáo kiểm kê hàng năm.

5 - Tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý , sử dụng tài sản trong toàn ngành Tư pháp.

Các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ phải thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, sử dụng và tính hao mòn tài sản cố định theo Quyết định số 351/TC- CĐKT ngày 22/5/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hàng năm khi báo cáo quyết toán ngân sách năm các đơn vị phải báo cáo Bộ tình hình thực hiện Quy chế quản lý tài sản. Khi đánh giá tổng kết công tác năm việc quản lý tài sản là một trong những tiêu chuẩn để bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân.

Những tập thể và cá nhân quản lý, sử dụng tài sản tốt, tiết kiệm, hiệu quả sẽ được xét khen thưởng, đối với tập thể và cá nhân vi phạm thì tuỳ theo mức độ mà xử lý và phải bồi thường thiệt hại gây ra.

6 - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ về việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài sản của các đơn vị trong ngành.

7 - Tổ chức thực hiện Chỉ thị.

Căn cứ vào Chỉ thị này và tình hình thực tiễn ở các đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị cần có kế hoạch tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, khắc phục tình trạng tuỳ tiện, buông lỏng quản lý, sớm đưa công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc Bộ Tư pháp đi vào nề nếp.

Chỉ thị này phải được quán triệt và triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp.

Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ về tiến độ và kết quả thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
Bộ trưởng, các đốc Thứ trưởng
Sở Tư pháp, TAND các địa phương
Phòng THA
Các đơn vị thuộc Bộ
Lưu VP, Vụ KHTC

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP




Nguyễn Đình Lộc

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ