Chỉ thị 02/1998/CT-NHNN1 về cho vay vốn để mua lúa xuất khẩu gạo và lúa dự trữ năm 1998 do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 02/1998/CT-NHNN1
Ngày ban hành 25/02/1998
Ngày có hiệu lực 12/03/1998
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đỗ Quế Lượng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/1998/CT-NHNN1

Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHO VAY VỐN ĐỂ MUA LÚA XUẤT KHẨU GẠO VÀ MUA LÚA TẠM TRỮ NĂM 1998

Để chấp hành tốt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về mua lúa, xuất khẩu gạo năm 1998 tại các Quyết định số 12/1998/QĐ-TTg ngày 23/01/1998 và số 16/1998/QĐ-TTg ngày 24/01/1998, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ thị như sau:

I. VỀ NGUỒN VỐN ĐỂ CHO VAY:

1. Các Ngân hàng Thương mại phải tự cân đối vốn, có biện pháp đẩy mạnh huy động vốn để bảo đảm đủ vốn cho vay đối với các doanh nghiệp được giao hạn ngạch xuất khẩu gạo, mua lúa tạm trữ năm 1998, nhất là vốn cho việc mua lúa hàng hoá ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải được kịp thời, không để rớt giá do thiếu tiền cho vay mua lúa gây thua thiệt cho người sản xuất. Trước hết, giao cho các Ngân hàng thương mại sau đây bố trí đủ số vốn khoảng 3.500 tỷ đồng để cho vay, trong đó:

- Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn: 2.500 tỷ (bao gồm mua tạm trữ 01 triệu tấn và mua xuất khẩu);

- Ngân hàng công thương: 500 tỷ,

- Ngân hàng ngoại thương: 500 tỷ.

Trường hợp nếu các doanh nghiệp được giao hạn ngạch xuất khẩu gạo có nhu cầu vay tại Ngân hàng thương mại khác ngoài các Ngân hàng được giao chỉ tiêu trên đây thì các Ngân hàng huy động vốn để dáp ứng nhu cầu cho vay theo cơ chế quy định tại điểm 2 của Chị thị này.

Riêng đối với việc cho vay để mua 01 triệu tấn lúa tạm trữ xuất khẩu, giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối vốn và cho vay theo Quyết định số 16/1998/QĐ-TTg ngày 24/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trong trường hợp thiếu vốn do chưa huy động kịp để đáp ứng nhu cầu cho vay, Ngân hàng Nhà nước giải quyết cho các Ngân hàng thương mại vay tái cấp vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay mua lúa, chủ yếu là bổ sung vốn cho vay mua lúa tạm trữ.

3. Các Ngân hàng Thương mại cần có giải pháp điều hoà vốn một cách kịp thời cho các chi nhánh Ngân hàng địa phương thiếu vốn, nhất là ở các tỉnh vùng trọng điểm lúa đồng bằng sông Cửu Long. Việc quy định mức phán quyết cho vay mua lúa đối với các cấp chi nhánh địa phương phải phù hợp với hạn ngạch mua lúa, xuất khẩu gạo giao cho các doanh nghiệp; tránh tình trạng ách tắc do điều hoà vốn không kịp thời hoặc quy định mức phán quyết cho vay thiếu linh hoạt.

II. VỀ CƠ CHẾ CHO VAY:

2.1. Cho vay mua lúa xuất khẩu gạo năm 1998:

2.1.1. Đối với doanh nghiệp Nhà nước:

Cơ chế cho vay được thực hiện theo các văn bản chỉ đạo về mua lúa, xuất khẩu gạo năm 1997 đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đến khi Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, như: Quyết định 140/TTg ngày 7/03/1997, số 141/TTg ngày 08/03/1997 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ điều hành mua lúa và xuất khẩu gạo năm 1998; Công văn số 417/CV-NH14 ngày 31/05/1997, các quyết định về Thể lệ tín dụng hiện hành, Chỉ thị số 09/CT-NH1 ngày 27/08/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; đồng thời cần lưu ý thêm một số điểm như sau:

- Lãi suất cho vay: theo lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong phạm vi trần lãi quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Thời hạn cho vay: Căn cứ vào thời gian thu mua, chế biến, dự trữ, tiêu thụ và thanh toán tiền gạo xuất khẩu của doanh nghiệp để định thời hạn cho vay, thu nợ cho phù hợp, tránh tình trạng định thời hạn cho vay không hợp lý gây khó khăn đối với doanh nghiệp.

- Trên cơ sở hạn ngạch xuất khẩu gạo năm 1998 do Bộ Thương mại giao cho các doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc bảo lãnh vay vốn thực hiện theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 2 Thông báo số 45/TB ngày 7/5/1997 và điểm 3 Thông báo số 26/TB-VPCP ngày 11/02/1998 của Văn phòng Chính phủ.

- Không cho vay đối với doanh nghiệp mua lại hạn ngạch hoặc được chuyển nhượng hạn ngạch xuất khẩu gạo dưới bất kỳ hình thức nào.

- Các ngân hàng cho vay phải kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay một cách chặt chẽ, đảm bảo số vốn cho vay tương ứng với số lượng lúa được giao chỉ tiêu phải tạm trữ.

- Sau khi kết thúc đợt mua lúa tạm trữ xuất khẩu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo số tiền lãi cho vay 01 tháng đầu không thu lãi đối với doanh nghiệp và đề nghị Bộ Tài chính và Ban Vật giá Chính phủ cấp bù từ Quỹ bình ổn giá theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 16/1998/QĐ-TTg ngày 24/01/1998.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ cho vay có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và định kỳ 7 ngày báo cáo kết quả cho vay về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng).

2. Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả cho vay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và trình Thống đốc báo cáo Chính phủ; kết hợp với Vụ nghiên cứu kinh tế trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết kịp thời những vướng mắc về vốn và cơ chế cho vay.

3. Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Đỗ Quế Lượng

(Đã ký)

 

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ