Chỉ thị 01/CT-UBND tăng cường biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014
Số hiệu | 01/CT-UBND |
Ngày ban hành | 15/01/2014 |
Ngày có hiệu lực | 15/01/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Định |
Người ký | Lê Hữu Lộc |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND |
Bình Định, ngày 15 tháng 01 năm 2014 |
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014; các Chỉ thị số 24/CT-BCT ngày 06/11/2013, số 26/CT-BCT ngày 18/12/2013 của Bộ Công Thương và Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014; để chuẩn bị tốt các điều kiện giúp nhân dân vui Xuân, đón Tết cổ truyền Giáp Ngọ 2014 bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
a. Sở Công Thương:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định giá thành sản phẩm, tăng lượng cung ứng hàng hóa ra thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu các loại hàng hóa, dịch vụ có chất lượng để phục vụ Tết. Có giải pháp dự trữ các mặt hàng thiết yếu để thực hiện tốt phương án bình ổn giá trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4011/QĐ-UBND ngày 26/12/2013, không để xảy xa tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, tăng giá ảo để trục lợi bất chính. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa hàng hóa đảm bảo chất lượng, có xuất xứ, giá cả phù hợp về phục vụ ở khu vực nông thôn, miền núi; chuẩn bị tốt các mặt hàng chính sách và tiêu dùng thiết yếu để cung ứng cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai lũ lụt.
- Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa trong những ngày giáp Tết và sau Tết để chủ động có phương án hoặc phối hợp các cơ quan liên quan có biện pháp nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, dầu thực vật, bánh, mứt, kẹo… Xử lý kịp thời, nghiêm khắc các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, kém phẩm chất, không đủ trọng lượng in trên bao bì … theo quy định của pháp luật, đồng thời có các phương án, biện pháp hiệu quả ngăn chặn kịp thời các trường hợp mua bán các sản phẩm có nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu do methanol theo chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 26/CT-BCT ngày 18/12/2013.
- Chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các địa bàn trọng điểm để ngăn chặn và phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng, sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch; kể cả việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nhất là các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, đồng thời chống đầu cơ, găm hàng, gây sốt giá, tăng giá trái pháp luật làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân và trật tự, an toàn xã hội.
- Phối hợp với các cơ quan thành viên BCĐ 127/ĐP tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; xử lý nghiêm minh các hành vi buôn lậu, mua bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, trong đó chú ý các mặt hàng: pháo nổ, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, động vật quý hiếm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2245/CĐ-TTg ngày 19/12/2013 và yêu cầu của Ban Chỉ đạo 127/TW tại Công văn số 59/BCĐ-QLTT ngày 23/12/2013.
- Báo cáo tình hình thị trường, công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng và nguồn hàng phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh theo quy định của UBND tỉnh tại các văn bản có liên quan.
b. Sở Tài chính:
- Theo dõi thường xuyên diễn biến giá cả thị trường, chú ý giá các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết. Phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, kiên quyết dừng các phương án tăng giá khi tiếp nhận đăng ký giá, kê khai giá mà các yếu tố hình thành giá không thay đổi. Báo cáo kịp thời tình hình biến động giá cả thị trường và đề xuất UBND tỉnh triển khai các giải pháp, phương án nhằm ổn định giá cả thị trường.
- Chủ trì tổ chức triển khai có hiệu quả phương án bình ổn giá trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh.
- Đôn đốc Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Hải quan Bình Định gửi báo cáo tình hình triển khai thực hiện của đơn vị mình trong dịp Tết về Sở Tài chính đúng thời gian quy định; đồng thời tổng hợp, báo cáo tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh cho Cục Quản lý giá theo đúng thời gian quy định tại Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính.
- Tăng cường công tác quản lý chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. Đảm bảo thực hiện các khoản chi lương, thưởng và các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng chính sách trước Tết Nguyên đán. Chủ động hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách các cấp chi lương tháng 02/2014 trong thời gian tháng 01/2014 cho các đối tượng có nhu cầu. Khẩn trương thực hiện cấp phát kinh phí hỗ trợ, kinh phí tạm ứng khắc phục hậu quả lũ lụt theo các Quyết định của UBND tỉnh đã phê duyệt cho các địa phương để kịp thời triển khai thực hiện.
c. Cục Thuế tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp quản lý thu, khai thác nguồn, tăng thu ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm; kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định về thuế kết hợp kiểm tra thực hiện các quy định về giá; kiểm tra, kiểm soát kê khai thuế, quyết toán thuế của các đơn vị; chấn chỉnh công tác hoàn thuế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.
d. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh các hoạt động tín dụng, chuẩn bị đủ lượng tiền mặt, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động và mua sắm của nhân dân. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các đơn vị, cá nhân đầu cơ, găm giữ, kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp, gây mất ổn định thị trường. Đảm bảo chất lượng hoạt động và lượng tiền mặt tại các máy ATM.
Đ. Kho bạc nhà nước tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước trên cơ sở phương án tiết kiệm 10% chi thường xuyên 7 tháng cuối năm 2013 và báo cáo kết quả rà soát trên tinh thần triệt để thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ do chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến, bảo đảm chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả đúng chế độ. Kiên quyết từ chối thanh toán đối với các khoản chi tiêu, mua sắm phục vụ liên hoan, họp mặt, quà biếu trong dịp Tết của các cơ quan, đơn vị và các khoản chi thuộc đối tượng phải rà soát, cắt giảm và giãn tiến độ thực hiện nhưng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư không có giải trình hợp lý, hợp lệ.
e. Cục Hải quan Bình Định thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 6287/CT-TCHQ ngày 25/10/2013 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc tăng cường công tác phòng chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Phối hợp với ngành thuế kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai hải quan và kê khai thuế đối với doanh nghiệp rủi ro cao về thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.
a. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức đón Tết Giáp Ngọ năm 2014 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương vận động nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; trợ giúp cho các hộ nghèo, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đảm bảo cho mọi người, mọi nhà, ai cũng được đón Tết trong không khí đầm ấm, nghĩa tình.
b. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, giám sát việc chi trả tiền lương, tiền thưởng kịp thời, đầy đủ cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách và người có công trong dịp Tết cổ truyền theo quy định.
c. Sở Y tế:
- Triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và khám, chữa bệnh cho nhân dân. Chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở y tế bố trí đầy đủ bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ, thuốc chữa bệnh… trực cấp cứu 24/24 giờ để bảo đảm tốt việc cấp cứu, điều trị kịp thời cho nhân dân trong dịp Tết.
- Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh trong nhân dân.
d. Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, thi đấu thể dục, thể thao... trong dịp Tết. Chỉ đạo các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các câu lạc bộ không chuyên tăng cường phục vụ biểu diễn ở cơ sở, nhất là các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo để tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp Tết và góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở cho các địa phương. Phối hợp với các cơ quan phát thanh, truyền hình bố trí nội dung chương trình chào mừng Xuân mới trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương theo hướng vui tươi, lành mạnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có Kế hoạch tổ chức khai thác sử dụng có hiệu quả các tuyến, điểm du lịch bằng nhiều loại hình phong phú, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân và khách du lịch trong những ngày Tết.
đ. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, chuyển tải kịp thời các nội dung, thông tin về hoạt động điều hành của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh và các thông tin có liên quan về tình hình thị trường, giá cả trong dịp Tết; các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; lao động sản xuất, các tập tục, lễ nghi đón Tết cổ truyền của các địa phương, dân tộc trong và ngoài tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh trong dịp Tết để góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục lòng yêu nước và giải trí tinh thần cho nhân dân.