Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 01/CT-NHNN năm 2015 tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 01/CT-NHNN
Ngày ban hành 27/01/2015
Ngày có hiệu lực 27/01/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Văn Bình
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ VÀ ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG AN TOÀN, HIỆU QUẢ NĂM 2015

Thực hiện Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 (Nghị quyết số 01), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2015 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ TỔNG QUÁT

1. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,2%), bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển. Năm 2015, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 13-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; ổn định tỷ giá (mức điều chỉnh không quá 2%), thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Tổ chức thực hiện các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ưu tiên tập trung tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2. Triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện thể chế, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, phấn đấu đến cuối năm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, phấn đấu về cơ bản thực hiện đầy đủ các nội dung của Đề án.

II. ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ TẠI TRỤ SỞ CHÍNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Rà soát ban hành theo thẩm quyền, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các Luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó tập trung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Tiếp tục rà soát và đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với nội dung sửa đổi của Hiến pháp năm 2013, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

2. Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra và hỗ trợ phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó chủ yếu tập trung:

a) Điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt với khối lượng và lãi suất hợp lý, phù hợp với tình hình vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng và mục tiêu của chính sách tiền tệ.

b) Tiếp tục thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý đối với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ giải quyết nợ xấu.

c) Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, ổn định thị trường tiền tệ.

d) Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, hợp lý, có tác động dẫn dắt thị trường, đảm bảo giá trị đồng tiền Việt Nam và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

3. Điều hành các giải pháp tín dụng linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay ngân hàng:

a) Xây dựng và thực hiện các giải pháp tín dụng theo định hướng tín dụng cả năm 2015 tăng khoảng 13-15%, gắn với việc thực hiện chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực để đáp ứng vốn cho nền kinh tế, phù hợp với khả năng huy động vốn của tổ chức tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu. Tiếp tục thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng.

b) Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả; tác động chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện chính sách cho vay bằng ngoại tệ đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế, góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ.

c) Thực hiện các giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương các cấp, chương trình cho vay bình ổn giá tại các địa phương.

d) Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng, trong đó, tập trung vào một số nội dung cụ thể:

- Tham mưu để Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khẩn trương hoàn thành các thông tư hướng dẫn còn thiếu, đảm bảo khi Nghị định có hiệu lực thi hành thì có đầy đủ các thông tư hướng dẫn. Nghị định thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP cùng với các thông tư hướng dẫn sẽ tạo ra một cơ chế mới, phù hợp hơn, hỗ trợ tốt hơn cho tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Theo dõi sát, đánh giá kịp thời để sớm tổng kết, cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách đối với chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, các công ty bảo hiểm để hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo hiểm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo ra chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này, góp phần mở rộng tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện các quy định tại Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành kèm theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng có tính khả thi cao, thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ tích cực cho việc mở rộng tín dụng lành mạnh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đối với tín dụng chính sách phục vụ hộ nghèo, hộ cận nghèo; đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; xây dựng các giải pháp cụ thể để triển khai quyết liệt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

- Theo dõi sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các chương trình tín dụng như: Chính sách tín dụng phục vụ đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014; chính sách cho vay đối với chăn nuôi và thủy sản tại Công văn số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012; chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16/4/2014; cho vay phục vụ tái canh cây cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên; cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013; chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014; chương trình cho vay liên kết 4 nhà trong lĩnh vực bất động sản; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn...

4. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và có hiệu quả cao thị trường ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ phục vụ phát triển kinh tế đất nước, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và ngày càng thu hẹp mức độ đô la hóa trong nền kinh tế, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam trong tương quan, lợi thế với các loại ngoại tệ khác.

5. Phát huy những kết quả đã đạt được trong quản lý và ổn định thị trường vàng, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh việc triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ. Đảm bảo việc quản lý thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ thị trường vàng miếng, thị trường vàng trang sức, thị trường vàng nguyên liệu theo hướng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, ngày càng thu hẹp thị trường vàng miếng; tạo điều kiện mở rộng thị trường vàng trang sức một cách lành mạnh phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, chú trọng thanh tra chất lượng tín dụng, thanh tra thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đổi mới mạnh mẽ công tác giám sát nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ hiệu quả công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Tích cực triển khai Đề án Giám sát từ xa theo các chuẩn mực quốc tế (không nhất thiết phải chờ hoàn thiện Đề án tin học hóa hoạt động giám sát từ xa); tiến hành xếp hạng thí điểm các tổ chức tín dụng theo các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế; định kỳ hằng quý, trên cơ sở giám sát từ xa tiến hành đánh giá từng tổ chức tín dụng và cả hệ thống, kịp thời thông báo cho các tổ chức tín dụng mức độ đủ vốn kể cả vốn điều lệ của tổ chức tín dụng để có biện pháp xử lý thích hợp; triển khai áp dụng thí điểm các chuẩn mực của Basel II tại 10 tổ chức tín dụng. Trong năm 2015, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam hoàn thành Đề án xây dựng xếp hạng tín dụng cho tất cả các khách hàng của ngân hàng; lịch sử tín dụng của mỗi khách hàng trong toàn hệ thống để áp dụng thống nhất đối với tất cả các tổ chức tín dụng. Hoàn thiện để có thể đưa vào áp dụng mô hình quản trị rủi ro tối thiểu theo các chuẩn mực quốc tế đối với các tổ chức tín dụng; thí điểm triển khai việc kết hợp thanh tra tuân thủ với thanh tra trên cơ sở rủi ro ở một số tổ chức tín dụng.

[...]