Chỉ thị 01/CT-BTTTT định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2024 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 01/CT-BTTTT
Ngày ban hành 20/01/2024
Ngày có hiệu lực 20/01/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-BTTTT

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG NĂM 2024

Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu. Năm 2023 cũng là năm tạo ra các kết quả thiết thực. Năm 2023 là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.

Trong năm 2023, bám sát quan điểm phát triển theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng; trọng tâm của việc phát triển là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Trên cơ sở đó, ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT) trong năm qua đã tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng.

Toàn ngành TTTT đã nỗ lực khắc phục các khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Các lĩnh vực hoạt động duy trì vận hành tốt, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành TTTT dẫn dắt và triển khai tiếp tục ghi nhận những thành tựu ấn tượng với mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng phủ khắp các địa phương đến tận thôn, bản. Không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số toàn dân và toàn diện.

Trong giai đoạn 2024-2025, ngành TTTT tiếp tục căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tập trung hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025).

Tập trung rà soát kỹ, phát hiện các bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, vướng mắc, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách. Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo toàn trình và chất lượng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực mới mang tính đột phá như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng...

Tăng cường thông tin đối ngoại, vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước; chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông chính sách từ Trung ương đến địa phương. Tuyên truyền về khát vọng phát triển quốc gia, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt; tạo đồng thuận xã hội, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

1. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc ngành TTTT tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 với chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ những truyền thống tốt đẹp của ngành TTTT với việc cụ thể hóa 10 chữ vàng truyền thống của Ngành là “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ TTTT khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và quyết tâm hoàn thành tốt Kế hoạch đề ra, và các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị với chủ đề năm 2024 là: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”; tập trung giải quyết sớm và triệt để những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tránh để tình trạng kéo dài, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Bộ TTTT. Đồng thời củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững, trong đó chú trọng các sáng kiến, thực hành về tăng trưởng xanh và kinh tế xanh, dựa trên nền tảng số, kinh tế số và xã hội số.

2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và định hướng đến năm 2025

2.1. Lĩnh vực Bưu chính

Dịch vụ bưu chính hiện nay đã được mở rộng theo hướng là kênh chuyển phát gói, kiện hàng hóa thương mại điện tử và được ví như huyết mạch của nền kinh tế, nhất là trong các tình huống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Để hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bưu chính ngày càng sâu, rộng, đảm bảo dòng chảy vật chất của thương mại điện tử, cần phải hiện thực hóa các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược phát triển Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đồng thời để khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Bưu chính trong thời đại số.

Xây dựng Hệ tri thức về bưu chính. Thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực bưu chính, đảm bảo chuỗi cung ứng bưu chính và logistics hiệu quả. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính lớn chuyển dịch theo hướng trở thành doanh nghiệp công nghệ. Chuyển từ quản lý giá sang quản lý chất lượng dịch vụ, ban hành bộ tiêu chí đánh giá và công bố xếp hạng chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.

* Nhiệm vụ năm 2024 và định hướng đến năm 2025

- Lập đề nghị xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi

- Phát triển mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ số để hiện đại hóa mạng lưới. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 tại địa phương để nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính KT1.

- Rà soát, nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

- Đẩy mạnh giám sát việc tuân thủ các quy định về cạnh tranh, về chất lượng dịch vụ nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững thị trường bưu chính; đánh giá, công bố xếp hạng chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính, kiên quyết xử lý triệt để doanh nghiệp bưu chính vi phạm quy định pháp luật.

- Duy trì, cải thiện xếp hạng chỉ số tích hợp phát triển bưu chính theo đánh giá của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) trong Nhóm 6, là nhóm các nước có chất lượng, hiệu quả dịch vụ bưu chính phát triển nhanh và bền vững.

2.2. Lĩnh vực Viễn thông

Xây dựng Hệ tri thức về viễn thông. Phát triển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số). Hạ tầng số là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số do đó phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đẩy mạnh triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 thông qua việc Hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại các khu vực khó khăn, Hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và Hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho các đối tượng được hỗ trợ.

* Nhiệm vụ năm 2024 và định hướng đến năm 2025

- Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về viễn thông phù hợp với xu thế. Chuyển dịch, phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số. Xây dựng và trình ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Viễn thông năm 2023 và các Thông tư hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Luật Viễn thông năm 2023.

- Triển khai thương mại hóa 5G. Đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp di động triển khai kế hoạch dừng công nghệ di động 2G theo lộ trình.

- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

- Thực hiện đấu giá tần số, xây dựng và ban hành các Thông tư quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam. Xây dựng Hệ thống thu thập và phân tích nền tạp nhiễu các trạm thông tin di động.

- Phát triển tên miền quốc gia “.vn” với giá trị “Nhận diện-An toàn-Tin cậy”. Triển khai chương trình phổ cập tên miền quốc gia “.vn”, đặc biệt cho sinh viên, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

[...]