Chỉ Thị 01/2007/CT-CA triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành Tòa án nhân dân năm 2007 do Chánh án Toà Án Nhân Dân Tối Cao ban hành

Số hiệu 01/2007/CT-CA
Ngày ban hành 01/03/2007
Ngày có hiệu lực 30/03/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Hiện
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2007/CT-CA

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CỦA NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN NĂM 2007

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan tới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân, Chương trình thực hiện cải cách tư pháp đến năm 2010 của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, căn cứ vào phương hướng nhiệm vụ công tác của ngành Tòa án nhân dân năm 2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác của ngành đã được xác định tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2006 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2007 của ngành Tòa án nhân dân, đặc biệt là một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án; khắc phục việc để một số vụ án quá thời hạn giải quyết, xét xử theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt thủ tục xét hỏi và tranh luận tại các phiên tòa xét xử các loại vụ án hình sự, dân sự và hành chính trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng và tinh thần cải cách tư pháp; đưa ra xét xử kịp thời và nghiêm minh các vụ án hình sự lớn, trọng điểm và làm tốt công tác xét xử lưu động; phấn đấu không để xảy ra các trường hợp kết án oan người không có tội và bỏ lọt tội phạm; trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự cần chú trọng và làm tốt công tác hòa giải, chú ý tới việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; khi giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội cần thực hiện đúng các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và hướng dẫn tại mục 20 Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; đảm bảo các quyết định của Tòa án phải đúng pháp luật, đầy đủ, rõ ràng, có tính khả thi; thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn phát hành bản án, quyết định của Tòa án.

2. Tiếp tục nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tập trung giải quyết các vụ việc bức xúc, nổi cộm hoặc các vụ việc mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng sắp hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót về nghiệp vụ để không làm phát sinh thêm khiếu kiện mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với các Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện và khắc phục các sai sót trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

3. Nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn xét xử, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Tiếp tục hoàn chỉnh các Dự án Pháp lệnh được giao chủ trì soạn thảo đảm bảo tiến độ và chất lượng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua; kịp thời soạn thảo, trình Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và các vấn đề có nhiều vướng mắc trong thực tiễn giải quyết, xét xử các loại vụ án và công tác thi hành án hình sự; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của ngành Tòa án nhân dân để thực hiện Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội về phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

4. Đảm bảo ra quyết định thi hành án trong thời hạn luật định đối với 100% số người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và có đủ điều kiện thi hành án. Việc ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án hình sự phải đúng quy định của pháp luật.

5. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của Tòa án các cấp. Thực hiện ngay các biện pháp cụ thể, hữu hiệu để từng bước tuyển dụng và tuyển chọn cán bộ, Thẩm phán đủ về số lượng và đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt là đối với một số Tòa án thuộc khu vực miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, Thẩm phán trong ngành Tòa án để tăng cường cho công tác xét xử, nhất là các đơn vị có nhiều án phải giải quyết nhưng chưa có đủ cán bộ, Thẩm phán theo yêu cầu; làm tốt công tác tạo nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán, đồng thời đổi mới cơ chế tuyển chọn, giới thiệu người để bổ nhiệm Thẩm phán theo hướng mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán cả đối với những người ngoài ngành Tòa án mà có đủ tiêu chuẩn theo quy định; tăng cường hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, nhất là đối với Thẩm phán; tiếp tục rà soát, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên, Chuyên viên và Hội thẩm nhằm nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ về lý luận chính trị cho đội ngũ này; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ cho công cuộc hội nhập quốc tế.

Tập trung nghiên cứu mô hình tổ chức Tòa án các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 để sớm đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân; khẩn trương triển khai thực hiện các quy trình thành lập một số đơn vị mới (trong đó có việc thành lập Tòa hôn nhân và gia đình) ở Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định thành lập hoặc phê chuẩn.

6. Nâng cao đạo đức, trách nhiệm, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức Tòa án, trước hết đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và Thẩm phán. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về quản lý đối với các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng xét xử, không được lạm dụng việc tổ chức công tác xét xử, trao đổi ý kiến về chuyên môn nghiệp vụ để hình thành chế độ duyệt án, áp đặt quan điểm cá nhân trái với nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các loại vụ án; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng và quản lý cán bộ, công chức trong ngành; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các tập thể và cá nhân cán bộ, công chức Tòa án có vi phạm. Đối với các trường hợp vi phạm pháp luật, phẩm chất đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của người cán bộ Tòa án thì kiên quyết loại ra khỏi ngành. Đối với trường hợp kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm, những trường hợp có bản án, quyết định bị hủy hoặc bị sửa do có sai lầm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân thì phải bị kiểm điểm, đánh giá về năng lực, trình độ và tinh thần  trách nhiệm của Thẩm phán để có biện pháp xử lý phù hợp. Tòa án nào có việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc có tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, bị sửa cao hoặc có nhiều vụ án để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc để tập thể đơn vị mất đoàn kết kéo dài thì lãnh đạo Tòa án, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý.

7. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục lựa chọn, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh sách các Tòa án cấp huyện có đủ điều kiện thực hiện thẩm quyền xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự và quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự theo lộ trình đã đề ra, đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực xét xử cho các Tòa án cấp huyện đã được giao thẩm quyền xét xử mới.

8. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính – tư pháp trong các Tòa án theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả và hiệu lực; tiếp tục phân công, phân cấp quản lý hợp lý trong toàn ngành Tòa án và từng đơn vị; công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án theo quy định của pháp luật; ban hành quy tắc ứng xử của Thẩm phán, Thư ký và cán bộ, công chức Tòa án theo đúng quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.

9. Bảo đảm kinh phí hoạt động cho toàn ngành; đồng thời xác định trọng điểm đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc cho Tòa án nhân dân các cấp, đặc biệt là Tòa án cấp huyện để đáp ứng việc tăng thẩm quyền xét xử và dự kiến việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực ở một số địa phương; quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sử dụng kinh phí được cấp đúng quy định: xây dựng và thực hiện đúng, có hiệu quả quy chế chi tiêu nội bộ trong toàn ngành Tòa án nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ và hoạt động quản lý của ngành Tòa án nhân dân; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của ngành Tòa án.

10. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, công chức trong toàn Tòa án nhân dân và phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan khác ở Trung ương và địa phương để hoàn thành tốt các công tác của ngành Tòa án nhân dân năm 2007.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quán triệt nội dung Chỉ thị này đến toàn thể Thẩm phán, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý, đồng thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

 

 

CHÁNH ÁN



 
Nguyễn Văn Hiện