Báo cáo 8575/BC-VPCP năm 2023 ý kiến của Văn phòng Chính phủ về chủ trương, nguyên tắc sửa đổi Quyết định 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Số hiệu 8575/BC-VPCP
Ngày ban hành 01/11/2023
Ngày có hiệu lực 01/11/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8575/BC-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2023

 

BÁO CÁO

Ý KIẾN CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ VỀ CHỦ TRƯƠNG, NGUYÊN TẮC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2018/QĐ-TTG NGÀY 06 THÁNG 3 NĂM 2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TIÊU CHÍ LỰA CHỌN, CÔNG NHẬN NGƯỜI CÓ UY TÍN VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Kính gửi: Chính phủ

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ (VPCP) xin báo cáo về chủ trương, nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây gọi tắt là Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg) theo đề xuất của Ủy ban Dân tộc tại Tờ trình số 1909/TTr-UBDT ngày 19 tháng 10 năm 2023 như sau:

I. VỀ CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, CƠ SỞ PHÁP LÝ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung) năm 2020 và Chương trình công tác năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ), Ủy ban Dân tộc đã xây dựng hồ sơ, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp (tại Báo cáo thẩm định số 149/BCTĐ-BTP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tư pháp), có Tờ trình số 1676/TTr-UBDT ngày 22 tháng 9 năm 2023 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg.

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 405/TB-VPCP ngày 07 tháng 10 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan tại cuộc họp ngày 04 tháng 10 năm 2023, hoàn thiện hồ sơ, có Tờ trình số 1909/TTr-UBDT ngày 19 tháng 10 năm 2023 trình Chính phủ về chủ trương, nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg.

VPCP xin báo cáo: Hồ sơ báo cáo Chính phủ của Ủy ban Dân tộc nêu trên đã bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và đầy đủ hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ[1]. Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 405/TB-VPCP ngày 07 tháng 10 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ theo quy định.

Thẩm quyền cho ý kiến về chủ trương, nguyên tắc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg thuộc Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ, phù hợp với ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và ý kiến của các Bộ, ngành (trong đó có Bộ Tư pháp) tại cuộc họp ngày 04 tháng 10 năm 2023 nêu trên.

II. VỀ CƠ SỞ THỰC TIỄN VÀ SỰ CẦN THIẾT

Về cơ bản, VPCP thống nhất với Ủy ban Dân tộc về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng[2], Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc và tháo gỡ 05 nhóm vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg gồm: (i) Tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín chưa phù hợp quy định về phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), chưa bám sát với thực tiễn và xu hướng phát triển của thời đại công nghệ số; (ii)Thủ tục công nhận, đưa ra và thay thế, bổ sung người có uy tín còn rườm rà, chưa đúng tinh thần tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp cơ sở; (iii) Chế độ, chính sách đối với người có uy tín còn một số vướng mắc trong thực tiễn triển khai về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện và chưa phù hợp tình hình thực tiễn; (iv) Quy định về sử dụng kinh phí còn vướng mắc do quy định cứng một số cơ chế chỉ được thực hiện trong một giai đoạn cụ thể; (v) Còn sự chồng chéo, chưa cụ thể trong trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa khuyến khích các địa phương chủ động ban hành các chính sách đặc thù cho người có uy tín phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương.

III. VỀ CÁC NỘI DUNG CHÍNH SÁCH DỰ KIẾN SỬA ĐỔI

Ủy ban Dân tộc đề xuất 05 nhóm nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, gồm:

1. Về đối tượng, điều kiện, số lượng công nhận người có uy tín

a) Sửa đổi đối tượng lựa chọn người có uy tín tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg: “Là công dân Việt Nam, đang cư trú ở các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, đáp ứng các tiêu chí theo quy định, được xem xét để lựa chọn người có uy tín” để bảo đảm không bỏ sót đối tượng.

b) Sửa đổi, bổ sung điều kiện, số lượng lựa chọn người có uy tín để phù hợp quy định về phân định vùng đồng bào DTTS và MN[3] và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người có uy tín để phát huy vai trò của mình trong trường hợp sáp nhập các thôn để thành lập thôn mới.

- Mỗi thôn thuộc xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) vùng đồng bào DTTS và MN; Thôn đáp ứng tiêu chí thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và MN theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được lựa chọn, công nhận 01 (một) người có uy tín.

- Thôn không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận 01 người có uy tín/thôn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương;

- Trường hợp thôn thành lập mới do sáp nhập các thôn theo quy định của cấp có thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được lựa chọn, công nhận nhưng không quá tổng số lượng thôn được sáp nhập.

2. Về chế độ, chính sách đối với người có uy tín

a) Về chế độ cung cấp thông tin, sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về chế độ cấp ấn phẩm báo cho người có uy tín bảo đảm khách quan, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; bổ sung điểm c khoản 1 Điều 4 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về cung cấp thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng, xử lý thông tin trên internet, mạng xã hội bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn và xu thế chuyển đổi số.

b) Về chế độ hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg bảo đảm phù hợp thực tiễn triển khai ở các cấp từ TW đến địa phương và không tăng định mức chi.

c) Về biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín, bổ sung quy định: “Định kỳ tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng, tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số 5 năm/lần đối với cấp Trung ương và cấp tỉnh. Riêng đối với cấp huyện sẽ phân cấp cho các địa phương lựa chọn, quyết định hình thức, thời gian để tổ chức thực hiện bảo đảm phù hợp với số lượng người có uy tín và tình hình thực tiễn trên địa bàn” để tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho cấp huyện trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với người có uy tín theo tình hình thực tiễn của địa phương.

d) Bổ sung mức chi thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín khi các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Dân tộc đi thăm, làm việc tại các địa phương để phù hợp thực tiễn triển khai.

3. Về quy trình, thủ tục công nhận, đưa ra và thay thế, bổ sung người có uy tín: Sửa đổi quy trình, thủ tục và thực hiện phân cấp, giao thẩm quyền quyết định công nhận, đưa ra và thay thế, bổ sung người có uy tín cho Chủ tịch UBND cấp huyện theo quy định tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Về kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện

- Sửa đổi quy định về kinh phí thực hiện theo cơ chế hỗ trợ có mục tiêu ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương đối với các địa phương khó khăn hoặc chưa tự cân đối được ngân sách thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong từng thời kỳ ổn định ngân sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các chế độ, chính sách cung cấp thông tin và hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần đối với người có uy tín (đối với khoản 1 và khoản 2 của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg).

- Sửa đổi quy định về trách nhiệm của các địa phương trong việc bố trí, cân đối trong dự toán ngân sách hằng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phân cấp quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định này, các cơ chế, chính sách khác do địa phương ban hành để hỗ trợ phát huy vai trò của người có uy tín và các hoạt động quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định

[...]