Báo cáo số 7898/BC-BKH về việc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 7898/BC-BKH
Ngày ban hành 29/10/2008
Ngày có hiệu lực 29/10/2008
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Võ Hồng Phúc
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 7898/BC-BKH

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2008

 

BÁO CÁO TÓM TẮT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC Ở CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2007

(Báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XII)

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam;

Kính thưa các vị Đại biểu Quốc hội;

Kính thưa các vị khách quý;

Thực hiện Nghị quyết 573 NQ/UBTVQH12 ngày 25 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; căn cứ vào kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội “Báo cáo Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007” (Báo cáo số 159/CP-KTTH của Chính phủ ngày 13 tháng 10 năm 2008).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin trình bày những nội dung chủ yếu của báo cáo như sau:

I. VỀ BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC

1. Tình hình xây dựng, trình Quốc hội thông qua các luật

Từ trước năm 2005, căn cứ vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, nghiên cứu xây dựng các luật: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu.

Trong năm 2005, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 8 thông qua Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2006); Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2006).

Các luật được ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu phát triển nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã được điều chỉnh bởi cùng một luật; hoạt động đấu thầu được quản lý bằng luật thay vì quản lý bằng một văn bản pháp lý ở tầm Nghị định; hạn chế dần tính khép kín trong hoạt động đầu tư; tính công khai, minh bạch được thể hiện đầy đủ hơn; thực tế vận hành của các luật này đã mang lại hiệu quả cao hơn.

Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành ba luật trên đã được triển khai ngay trong quá trình xây dựng luật. Cùng với việc trình Quốc hội ban hành văn bản luật, Chính phủ đã có dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội để cho ý kiến.

2. Tình hình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành 

Đối với Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về: hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh; Quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

Đối với Luật Đầu tư, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về: quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư; quy định đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT); quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; quy định khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước...

Đối với Luật Đấu thầu, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng; quyết định các trường hợp đặc biệt được chỉ định thầu; quy chế đấu thầu, đặt hàng đối với dịch vụ công.

Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Liên quan đến công tác quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị định về lập phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định về qui hoạch xây dựng.

Cùng với các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ liên quan đã ban hành nhiều thông tư, quyết định hướng dẫn các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của đơn vị mình.

3. Đánh giá về tình hình ban hành các văn bản 

Nhìn chung, các văn bản luật pháp trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng đã được ban hành kịp thời, bổ sung ngày càng đầy đủ hơn, đồng bộ hơn, hiệu lực pháp lý cao hơn và phù hợp với thực tế hơn. Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư được ban hành đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật Xây dựng, Đầu tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp. Đồng thời các bộ, ngành đã rà soát bãi bỏ các văn bản chồng chéo, văn bản không còn hiệu lực.

Các văn bản ban hành phù hợp với Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, thể hiện ở các mặt: các Nghị định ban hành đã tuân thủ các qui định tại các luật; các thông tư hướng dẫn và quyết định phù hợp với nghị định và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nội dung quản lý. Những văn bản pháp luật có sự mâu thuẫn, chồng chéo đã được xem xét, nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi.

Các Luật và Nghị định hướng dẫn mới ban hành nói chung phù hợp với chủ trương, đường lối, tiến trình hội nhập quốc tế; đồng thời bổ sung thêm các nội dung mới về quản lý đầu tư phù hợp với tình hình mới. Các văn bản ban hành đã thực hiện theo đúng chủ trương phân cấp, tăng quyền hạn cho các bộ, ngành và các địa phương, đồng thời đã gắn quyền hạn với trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là đối với các chủ đầu tư; tăng cường vai trò và trách nhiệm cá nhân, từng bước qui định cụ thể chế tài xử phạt.

Đã thực hiện phân cấp một cách mạnh mẽ cho các cấp, các ngành và địa phương từ quyết định chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, thẩm định, ra quyết định đầu tư, phân bổ vốn đầu tư, theo dõi và quản lý thực hiện các dự án. Theo đó Thủ tướng Chính phủ chỉ ra quyết định phê duyệt các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; còn lại tất cả các dự án thuộc nhóm A, B, C đều đã được phân cấp cho các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) phê duyệt quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, trong vận hành thực thi các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đó là:

- Chưa thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nhiều đề án chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra. Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa ban hành theo đúng thời gian đã được quy định tại các luật; các văn bản được ban hành ở những thời điểm khác nhau, nên khái niệm, nội dung quản lý đã có những thay đổi, cần được tiếp tục nghiên cứu để đồng bộ và thống nhất trong quản lý.

[...]