Báo cáo 2804/BC-UBPL13 năm 2014 kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước Ủy ban Pháp luật ban hành

Số hiệu 2804/BC-UBPL13
Ngày ban hành 14/11/2014
Ngày có hiệu lực 14/11/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Ủy ban Pháp luật
Người ký Phan Trung Lý
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI KHÓA XIII
ỦY BAN PHÁP LUẬT

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2804/BC-UBPL13

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2014

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN THUỘC THẨM QUYỀN CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội,

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2014, Ủy ban pháp luật của Quốc hội (UBPL) đã ban hành Nghị quyết số 2201/NQ-UBPL13 ngày 02/01/2014 thành lập Đoàn giám sát do đồng chí Phan Trung Lý - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UBPL làm Trưởng Đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi cả nước, thời gian từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2013.

Mục đích của việc giám sát là để nhận xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ đó, đưa ra kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đưa ra giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức, thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đoàn giám sát đã tổ chức nghe đại diện Chính phủ trình bày Báo cáo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước (số liệu tính từ ngày 15/8/2010 đến ngày 15/8/2013 của Thanh tra Chính phủ); tổ chức nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân1; đồng thời, tổ chức một số đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương2 (UBND cấp tỉnh), cơ quan tiếp công dân của Trung ương tại các tỉnh phía Nam, làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương. Dưới đây, UBPL xin báo cáo kết quả giám sát như sau:

I. NHẬN XÉT CHUNG

UBPL nhận thấy, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh đã có nhiều cố gắng chuẩn bị báo cáo và tài liệu phục vụ cho giám sát và đã giải trình, báo cáo bổ sung làm rõ các vấn đề mà Đoàn giám sát yêu cầu. Báo cáo của Chính phủ về cơ bản đã phản ánh sát thực tình hình khiếu nại, tố cáo trong 03 năm (2011-2013); nêu ra được những nguyên nhân chính làm phát sinh khiếu nại, tố cáo; đánh giá đúng mức việc tổ chức thực hiện và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; phân định rõ việc khiếu nại và việc tố cáo; chú trọng đề cập đến công tác thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như kết quả giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Báo cáo cũng đã phân tích, đánh giá được những chuyển biến tích cực cũng như hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đưa ra được nhiều số liệu và địa chỉ cụ thể của bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt hoặc còn hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời Báo cáo cũng nêu ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác này.

Tuy nhiên, UBPL thấy rằng Báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về các vấn đề như: nguyên nhân của thực trạng khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua; nguyên nhân tình hình khiếu nại, tố cáo đông người ngày càng gia tăng; nguyên nhân những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp công dân chậm được khắc phục; nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền chưa thực sự gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có nhiều sai sót về nội dung, không đúng thẩm quyền, thủ tục; những tồn tại, yếu kém nêu trên là do chính sách, pháp luật còn bất cập hay do tinh thần trách nhiệm và năng lực của cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành và của người đứng đầu còn hạn chế. Chính phủ cũng cần rà soát, chỉnh lý Báo cáo nhằm bảo đảm tính chính xác về số liệu và bổ sung kết quả giải quyết đơn thư do đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức khác chuyển đến; đồng thời đưa ra những giải pháp, kiến nghị cụ thể hơn nữa, bảo đảm tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

II. VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

1. Tình hình triển khai việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo

Về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo: Trong những năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật khiếu nại, Luật tố cáo và Luật tiếp công dân; đồng thời ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành luật3.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tập trung thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và ban hành Quyết định số 312/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội “Về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai”.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm quản lý; đồng thời, xác định nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, tạo chuyển biến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

Về công tác chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp đổi mới công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo:

- Hàng quý, Chính phủ nghe Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo tình hình và kết quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đề ra biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong quản lý nhà nước nhằm hạn chế khiếu nại, tố cáo. Đối với các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp; vụ việc có ý kiến khác nhau, Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp để nghe báo cáo tình hình và có ý kiến chỉ đạo giải quyết, xử lý dứt điểm4.

- Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt và xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo5; tổ chức nhiều hội nghị triển khai và sơ kết đánh giá công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo6; đồng thời tập trung rà soát và phối hợp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

2. Tình hình khiếu nại, tố cáo

Trong thời gian từ ngày 01/01/2011 đến hết năm 2013, ở nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng7... Do đó, việc khiếu nại, tố cáo ngoài tình hình như các năm trước còn có những đặc thù nhất định. Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 389.063 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, trong đó:

Về khiếu nại, phát sinh 327.706 lượt đơn khiếu nại với 170.257 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước. Nội dung khiếu nại chủ yếu trong lĩnh vực đất đai8 chiếm 74,76% số đơn khiếu nại; còn lại là các khiếu nại trong các lĩnh vực khác.

Về tố cáo, phát sinh 61.357 lượt đơn tố cáo với 27.108 vụ việc. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 84,24%, chủ yếu tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, cố ý làm trái chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi; thiếu trách nhiệm, lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội...

- Năm 2011, có giảm về số lượt người và số lượng đơn thư nhưng số vụ việc, số đoàn đông người tăng so với năm 2010, đặc biệt là trước thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khiếu nại, tố cáo tăng đột biến.

- Năm 2012, giảm về số lượt người, số lượng đơn thư và số vụ việc khiếu nại, tố cáo so với năm 2011, nhưng số lượt đoàn đông người tăng và tính chất mức độ có thời điểm gay gắt hơn.

- Năm 2013, số lượng đơn thư giảm nhiều, trong đó số vụ việc giảm (30,42%) so với năm 2012, nhưng lại tăng số lượt khiếu nại, tố cáo đông người.

UBPL nhận thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp9, xảy ra trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo năm trước chưa giải quyết xong lại phát sinh khiếu nại, tố cáo mới; một số địa phương khiếu nại, tố cáo giảm nhiều nhưng ở địa phương khác lại tăng mạnh; khiếu kiện đông người tiếp tục tăng, còn nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài10, người khiếu kiện có thái độ bức xúc, gay gắt, vượt cấp lên trung ương11 gây mất trật tự nơi công cộng; khiếu kiện liên quan đến tôn giáo ở một số địa phương tăng.

Ngoài ra, UBPL cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nội dung sau khi Luật khiếu nại, Luật tố cáo được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 thì có tác động như thế nào đối với tình hình tăng, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo?, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều trong năm 2013 là do có 2 luật mới hay vì lý do nào khác?, tại sao khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn gia tăng sau khi đã có Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội?, tại sao tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người vẫn không được khắc phục?... Có làm rõ được những nội dung này thì mới đưa ra được những kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

[...]