Báo cáo 266/BC-UBND năm 2016 kết quả thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 266/BC-UBND
Ngày ban hành 02/12/2016
Ngày có hiệu lực 02/12/2016
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 266/BC-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 12 năm 2016

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2011-2016

Thực hiện Công văn số 2507/VPQH-GS ngày 10/10/2016 của Văn phòng Quốc hội về việc xây dựng báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC THI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM TỪ 2011-2016

I. VIỆC TRIỂN KHAI, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền

Những tồn tại, bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan:

- Tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành:

+ Các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành ban hành còn chậm gây khó khăn cho việc áp dụng như: Luật An toàn thực phẩm được ban hành năm 2010 nhưng đến năm 2012, Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính Phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm mới được ban hành, năm 2013 nhiều Thông tư hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành mới có hiệu lực, năm 2015 thông tư 48/2015/TT-BYT quy định việc kiểm tra ATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế mới ban hành.

- Những quy định chồng chéo, không còn phù hợp, còn thiếu, cần sửa đổi bổ sung:

+ Thông tư liên tịch số 13/2014/TT-BYT về cơ bản đã phân định ra các nhóm cho 3 bộ quản lý; Tuy nhiên một số sản phẩm được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau thì việc quản lý đôi khi chồng chéo và có lúc còn bỏ ngỏ; ví dụ: Chiếc bánh mỳ được chế biến từ tinh bột thì do Bộ Công thương quản lý, nhân bánh mỳ được chế biến từ thịt, rau thì do Bộ NN& PTNT quản lý, nếu phân định rõ ràng thì cơ sở như thế này sẽ do 2 bộ quản lý, như vậy là chồng chéo nên phải quy định rõ những cơ sở chế biến các sản phẩm như trên và tương tự thì do bộ nào quản lý.

+ Văn bản chỉ đạo và triển khai còn chồng chéo: Ví dụ một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định do ngành y tế quản lý nhưng thường xuyên có nhiều đoàn đến kiểm tra như: Chi cục ATVSTP kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP, ngành Quản lý thị trường kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh rượu bia, lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra vệ sinh môi trường và cả điều kiện bảo đảm ATTP, ngoài ra còn đoàn kiểm tra của chính quyền huyện, xã…gây phiền hà cho cơ sở.

+ Nghị định 67/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế. Trong đó quy định điều kiện đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai; nước đá dùng liền quy định phải có phiếu kiểm nghiệm từng lô sản phẩm, quy định này là rất khó áp dụng với tình hình thực tế tại địa phương vì đa phần các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền tại địa phương sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, mỗi lô sản phẩm sản xuất với số lượng ít, không có bộ phận quản lý chất lượng nên việc xét nghiệm đối với từng lô sản phẩm là rất khó thực hiện.

+ Quyết định số 1348/QĐ-BYT ngày 13/04/2016 về việc đính chính Điểm c khoản 4 Thông tư 48/2015/TT-BYT quy định “Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện” là chưa phù hợp với tình hình thực tế vì hiện tại, Phòng Y tế cấp quận, huyện, thị xã chưa có đủ điều kiện trong hoạt động kiểm tra về an toàn thực phẩm như: phương tiện, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực... mặt khác, hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm từ trước đến nay chủ yếu là do Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm và hoạt động này triển khai đang thuận lợi và có hiệu quả.

+ Tại khoản 1, Điều 4, Thông tư 48/2015/TT-BYT ngày 01/12/2015 của Bộ Y tế quy định Cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm gồm: Cục An toàn thực phẩm thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước; Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Trạm Y tế xã chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn xã.

Quy định như trên gây nhầm lẫn cho cơ quan quản lý là ở địa bàn nào thì chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm tại địa bàn đó; mặt khác toàn bộ cơ sở đều thuộc địa bàn của xã, phường, thị trấn nên cơ sở nào cũng chịu sự kiểm tra của tất cả các tuyến; vì vậy đề nghị bổ sung cụm từ "theo phân cấp quản lý"

+ Một số hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP nhưng chưa được quy định xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP ví dụ hành vi: sử dụng dụng cụ chia, gắp, chứa đựng thức ăn, dụng cụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh (đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống loại hình chế biến suất ăn sẵn; căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống); Không thực hiện kiểm nghiệm nước định kỳ theo quy định (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm); sử dụng thuốc, động vật để diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, chế biến thực phẩm...

2. Việc xây dựng, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật để quản lý

- Qua việc thực hiện và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật để quản lý đối với các sản phẩm thực phẩm hoặc quy định về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với tất cả các sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm cho thấy, nhìn chung các chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đầy đủ và phù hợp để quản lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cần xây dựng, ban hành các QCVN về các sản phẩm thực phẩm thông dụng như: Nước mắm, gạo, rượu trắng, rượu ngâm thực vật và động vật, cà phê, ruốc, tinh bột nghệ, tinh bột sắn và các sản phẩm thực phẩm thông dụng khác để dễ dàng kiểm soát và quản lý (ví dụ như: Sản phẩm rượu ngâm thực vật và động vật theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 thì “Rượu thuốc” là rượu được pha chế, ngâm với nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và/hoặc thực vật và/hoặc khoáng chất để hỗ trợ chữa bệnh, hỗ trợ chức năng của cơ thể con người và tăng cường sức khỏe nhưng Thông Tư 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT thì quy định rượu bổ (là thực phẩm) do Bộ Y tế quản lý, việc nêu khái niệm các sản phẩm rượu bổ chưa rõ ràng nên việc ban hành TCVN và QCVN đối với các sản phẩm đó chưa có dẫn đến còn lúng túng trong công tác quản lý, đặc biệt là công bố chất lượng các sản phẩm này).

- Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh:

Theo Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế Quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thì việc xét nghiệm nguồn nước để sản xuất thực phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống và nước để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt rất khó thực hiện do đặc điểm của đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh cá thể, doanh thu thấp điều kiện kinh tế chủ yếu thấp và trung bình nên để kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu như quy định thì rất khó để thực hiện.

3. Việc chỉ đạo điều hành của UBND cấp tỉnh

3.1. Các văn bản chỉ đạo điều hành của Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh trong triển khai thực hiện chính sách pháp luật về ATTP

Thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATTP. Xây dựng phương hướng hoạt động, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể trong từng lĩnh vực, từng bước đưa công tác quản lý ATTP vào khuôn khổ thống nhất, cụ thể như:

Sở Y tế là cơ quan thường trực trong hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn. Hàng năm tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATTP, cụ thể như: Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 15/02/2012 về việc đổi tên và kiện toàn Ban chỉ đạo Vệ sinh ATTP tỉnh; Quyết định số 55/QĐ-BCĐ, 56/QĐ-BCĐ ngày 22/05/2012 về Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh; thành lập Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo Vệ sinh ATTP tỉnh; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 14/3/2014 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các công bố bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATVSTP thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế Quảng Bình theo các Quyết định: Số 947/QĐ-UBND ngày 26/4/2013, 2009/QĐ-UBND ngày 23/7/2015; 86/QĐ-UBND ngày 14/01/2016. Kế hoạch số 744/KH-UBND ngày 02/7/2012 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện Chiến lược Quốc gia ATTP tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015; Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 05/01/2016 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020;

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản: Quyết định số 3228/QĐ-UBND ngày 10/12/2008 về việc phê duyệt Đề án quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2008 - 2012; Quyết đnh 1774/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Thông tư 14/2011/BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 11/01/2013 về việc phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối giai đoạn 2013-2015 tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 2956/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 về việc phê duyệt đề án quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2014 - 2020; Kế hoạch số 1405/KH-UBND ngày 06/11/2014 về việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Bình; Kế hoạch số 358/KH-UBND ngày 13/4/2015 về Kế hoạch hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Quảng Bình.

Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2176/QĐ-UBND ngày 07/8/2015 về việc phân cấp quản lý ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 58/2014/TT-BCT ngày 22/12/2014 của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

[...]