Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Báo cáo 24/BC-BTP năm 2024 tổng hợp kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 24/BC-BTP
Ngày ban hành 12/01/2024
Ngày có hiệu lực 12/01/2024
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Mai Lương Khôi
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/BC-BTP

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2024

 

BÁO CÁO

TỔNG HỢP KẾT QUẢ TỔNG KẾT THỰC TIỄN THI HÀNH LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH NĂM 2015 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Thực hiện Văn bản số 6996/VPCP-V.I ngày 17/10/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, theo đó Chính phủ giao Bộ Tư pháp tổng hợp kết quả tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2997/BTP-TCTHADS ngày 14/7/2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo kết quả tổng kết Luật TTHC năm 2015. Đến hết ngày 05/10/2023, có 58/63 địa phương báo cáo kết quả tổng kết[1]. Trên cơ sở báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp báo cáo tổng hợp kết quả tổng kết thi hành Luật TTHC năm 2015 liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND và UBND cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THI HÀNH

1. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015

1.1. Việc chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015

Để triển khai thực hiện Luật TTHC năm 2015 đạt hiệu quả, UBND các tỉnh: An Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Cần Thơ, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật TTHC năm 2015. Các địa phương còn lại đều có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời quán triệt triển khai Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, trong đó, chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính (QĐHC), thực hiện hành vi hành chính (HVHC) tuân thủ đúng quy định pháp luật; chủ động Kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các sai phạm trong việc ban hành, thực hiện QĐHC, HVHC, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cơ quan, đơn vị...và trong quá trình triển khai thực hiện đến nay, các địa phương tiếp tục có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức có liên quan chấp hành nghiêm túc Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC.

1.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 và Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 459/QĐ-BTP ngày 22/3/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TTHC năm 2015, các địa phương đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến triển khai Luật TTHC năm 2015 với sự tham gia của Lãnh đạo các sở, ngành, Lãnh đạo UBND cấp huyện và mở rộng đến các đối tượng khác như thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, phòng Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện, một số địa phương khác cũng đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về Luật TTHC năm 2015 mở rộng đến các thành phần khác như: tỉnh Quảng Bình mở rộng đến các thành phần là đại diện các Ban thuộc Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; tỉnh An Giang mở rộng đến đối tượng là các tuyên truyền viên thuộc các tổ chức công đoàn trên địa bàn; thành phố Cần Thơ chú trọng và tổ chức tuyên truyền đến đối tượng là Trưởng ấp, Trưởng khu, Tổ trưởng Tổ hòa giải trên địa bàn thành phố...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh) phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức cấp phát các tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật TTHC năm 2015 do Bộ Tư pháp biên soạn cũng như sách Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ cho các báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật và người đứng đầu các sở, ngành, UBND cấp huyện trên địa bàn; chỉ đạo UBND các quận, huyện Tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến công chức và người dân các quy định của Luật TTHC năm 2015.

Một số địa phương như Nghệ An, định kỳ mỗi năm Tạp chí Pháp luật và Đời sống đều xuất bản các số báo trong đó có nhiều bài viết về nội dung liên quan đến các quy định của pháp luật về TTHC và THAHC cấp phát miễn phí về cơ sở và số chuyên đề chuyên sâu về triển khai Luật TTHC (năm 2016) và triển khai Nghị định số 71/2016/NĐ-CP (năm 2017), tổ chức cuộc thi tìm hiểu Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Luật Tố tụng hành chính trên Cổng Thông tin điện tử thu hút hơn 100.000 lượt thi. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngoài Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền thì Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh cũng đã có 32 tin và 20 phóng sự chuyên về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC. Tỉnh Ninh Thuận trong năm 2023 tiếp tục ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật TTHC năm 2015 nhằm nâng cao nhận thức cho người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước và hiểu biết của nhân dân về các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về TTHC và THAHC.

Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến qua mô hình “Ngày pháp luật”, “Câu lạc bộ pháp luật”, qua hoạt động của Tổ hoà giải cơ sở, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, Đài phát thanh-Truyền hình, tủ sách pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, văn phòng điện tử (mạng nội bộ); hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-ioffice), lồng ghép với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tổ chức hội thảo, tọa đàm về pháp luật TTHC và THAHC.

Thông qua các hình thức tuyên truyền đã giúp cán bộ, nhân dân cập nhật, nâng cao hiểu biết, nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước nói chung và pháp luật về TTHC và THAHC nói riêng, từ đó có ý thức nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, giúp cơ quan nhà nước tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

1.3. Công tác đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương cho thấy, trong quá trình triển khai thi hành Luật TTHC năm 2015, các địa phương đồng thời triển khai tổ chức thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng về tăng cường chấp hành pháp luật TTHC, THAHC và các chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC. Ở một số địa phương Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chỉ thị và văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm nội dung này như Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành các Chỉ thị về tăng cường công tác THAHC[2]; UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành các Chỉ thị về công tác THAHC trong các năm 2018, 2020[3]; UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong thi hành công vụ, chấp hành pháp luật TTHC, THAHC[4]; UBND một số tỉnh như Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Nghệ An, Sơn La... ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác THADS, THAHC trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND các tỉnh cũng đã kịp thời có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật TTHC trong giải quyết vụ án hành chính và thi hành các bản án, quyết định về vụ án hành chính của Toà án; chỉ đạo việc tham mưu giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các bản án thuộc trách nhiệm thi hành của địa phương. Một số địa phương như Nghệ An, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Quảng Nam, Ninh Thuận... đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, điển hình như:

- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, THAHC, theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán... tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng về công tác THAHC trên địa bàn tỉnh[5].

- UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến việc giải quyết các khiếu kiện QĐHC, HVHC như: Quyết định ban hành quy chế đối thoại trong giải quyết khiếu nại; Quyết định ban hành trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện thu hồi đất...; Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết có hiệu quả ngay từ ban đầu các khiếu nại của công dân, tổ chức về các quyết định hành chính từ đó hạn chế phát sinh các khiếu kiện hành chính tại Tòa án.

- UBND tỉnh Quảng Ninh thành lập Tổ giúp việc để giúp việc cho các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi được ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án hành chính, dân sự. Việc kiện toàn và duy trì hoạt động của Tổ giúp việc được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.

- Để tổ chức thi hành có hiệu quả các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, UBND các tỉnh: Bình Dương, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai, Quảng Nam, Ninh Thuận, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập các Tổ giúp việc, Đoàn kiểm tra nhằm tham mưu cho UBND tỉnh, Thành phố trong việc tổ chức thi hành các bản án hành chính thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và chỉ đạo, đôn đốc UBND, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố trên địa bàn tổ chức thi hành các bản án hành chính đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- UBND tỉnh Nghệ An ngoài các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật TTHC và THAHC còn có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh khắc phục vi phạm trong công tác lưu trữ, cung cấp thông tin liên quan đến tố tụng hành chính nhằm đảm bảo việc cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng cứ cho Tòa án đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

1.4. Công tác phối hợp trong việc triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015

Theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy một số địa phương đã thực hiện tốt công tác phối hợp giữa UBND các cấp với Toà án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), cơ quan THADS và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật TTHC năm 2015. Cụ thể:

- Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành quy chế về phối hợp giữa Ban cán sự Đảng TAND tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ án hành chính, dân sự trên địa bàn tỉnh.

- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban cán sự TAND tỉnh Hà Giang, Bình Thuận, Tuyên Quang đã ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp về cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ trong giải quyết các vụ án hành chính. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Điện Biên ký Quy chế phối hợp với Ban cán sự Đảng TAND tỉnh và Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh trong đó có nội dung phối hợp giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính.

Ngoài ra, để phòng ngừa nguy cơ phát sinh các vụ việc khiếu kiện hành chính, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với VKSND tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề về thực trạng ban hành QĐHC, thực hiện HVHC và THAHC để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị VKSND tỉnh chỉ đạo VKSND cấp huyện tăng cường kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng và tổ chức thi hành bản án hành chính; xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị, kháng nghị theo thủ tục luật định đối với các bản án, quyết định của Toà án.

Nhiều UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan THADS và các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTHC và THAHC; tham mưu xây dựng kế hoạch, báo cáo về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC định kỳ, đột xuất; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS và các sở, ban ngành để phối hợp hướng dẫn hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo các trường hợp quá trình tổ chức thi hành án có khó khăn, vướng mắc.

2. Tình hình chấp hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính và thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính của Chủ tịch UBND, UBND

[...]