Báo cáo 23/BC-BTP về tổng kết công tác tư pháp năm 2009 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2010 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 23/BC-BTP
Ngày ban hành 05/02/2010
Ngày có hiệu lực 05/02/2010
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 23/BC-BTP

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2010

 

BÁO CÁO

Năm 2009, trước những diễn biến phức tạp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, thiên tai dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng; sự chỉ đạo, giám sát có hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ đã bám sát diễn biến, đánh giá đúng tình hình, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chuyển hướng kịp thời, quyết sách nhanh nhạy, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, liên tục, cụ thể, ứng biến và sáng tạo; đã thực hiện thành công mục tiêu tổng quát là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý (GDP đạt 5,32%), ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn; chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thế và lực của đất nước tiếp tục được tăng cường, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Trong những thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của Ngành Tư pháp.

Ngay từ những ngày đầu năm 2009, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của đất nước, Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2009, Bộ đã ban hành Chương trình công tác trọng tâm của Ngành năm 2009 và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, tạo nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực công tác. Nhờ đó, vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định; vị thế của Ngành từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường. Các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ được triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng thực hiện các nội dung theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2009 như: triển khai thực hiện tốt Luật Ban hành VBQPPL; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác theo dõi chung về thi hành pháp luật; tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự (THADS), Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật THADS, nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong công tác THADS; nâng cao chất lượng hoạt động chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; tăng cường năng lực của các cơ quan bổ trợ tư pháp, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp; tiếp tục lộ trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính; kiện toàn tổ chức, cán bộ của Ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; tạo chuyển biến thực sự về chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, nhất là đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp; thành lập Trường Trung cấp luật; tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh việc phân cấp trong một số lĩnh vực hoạt động, hướng mạnh về cơ sở.

Bước sang năm 2010, toàn Ngành cần nghiêm túc đánh giá một cách toàn diện, chính xác, khách quan công tác tư pháp năm 2009 để khẳng định những kết quả tích cực đã đạt được; ghi nhận những cách làm mới, hiệu quả cần nhân rộng; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các mặt công tác cần được khắc phục để thực hiện tốt Chương trình công tác của Ngành năm 2010, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2010.

Phần thứ nhất:

ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2009

1. Công tác xây dựng văn bản, đề án; thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành pháp luật

1.1. Kết quả đạt được

a) Công tác xây dựng văn bản, đề án

Quán triệt bài học “thể chế đi trước một bước”, trong năm 2009, Ngành Tư pháp đã tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản, đề án phục vụ công tác quản lý và phát triển các lĩnh vực công tác tư pháp như lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, THADS, luật sư, theo dõi thi hành pháp luật..., tạo đà phát triển toàn diện, hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Bộ, Ngành trong những năm tiếp theo. Chất lượng và tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được cải thiện đáng kể, đã chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách kịp thời, đồng bộ, hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, công tác xây dựng VBQPPL quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh thuộc chức năng, nhiệm vụ Bộ, Ngành được Thủ tướng Chính phủ biểu dương là một trong 03 Bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chỉ đạo khen thưởng.

Bộ tích cực tham mưu, giúp Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2009; các Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh năm 2009; theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương tăng cường và đảm bảo tiến độ xây dựng văn bản, đề án theo kế hoạch.

Năm 2009, Bộ có nhiệm vụ soạn thảo và phối hợp hoàn chỉnh 40 văn bản, đề án trình Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 05 dự án luật(1); 139 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp hoặc liên tịch ban hành. Bên cạnh đó các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan Tư pháp địa phương, các Tổ chức pháp chế bộ, ngành còn phải thực hiện một số lượng lớn các công việc liên quan đến việc xây dựng văn bản, đề án. Bộ đã hoàn thành và trình Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 37 văn bản, đề án, đạt 92,5% tổng số văn bản, đề án phải trình trong năm 2009 (chi tiết xem Phụ lục I); riêng việc xây dựng và trình các dự án luật đạt 100% kế hoạch; ban hành, phối hợp ban hành 57 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền hoặc liên tịch ban hành, đạt 41 % kế hoạch.

Tính đến 30/9/2009, các cơ quan Tư pháp địa phương trong toàn quốc đã chủ trì soạn thảo, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng 7.461 VBQPPL; phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng15.650 VBQPPL (chi tiết xem Phụ lục STP-01A).

Bộ đã tiếp tục phối hợp với các cơ quan hoàn chỉnh dự án Luật Nuôi con nuôi, Luật Tiếp cận thông tin; chủ động ban hành Kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành triển khai xây dựng các luật, pháp lệnh trình Chính phủ trong năm 2010 như các dự án: Luật Thủ đô, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật dân sự (phần liên quan đến quyền sở hữu và hợp đồng), Luật Phòng, chống buôn bán người, Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Quy trình xây dựng các văn bản, đề án ngày càng đi vào nền nếp khi triển khai thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL, Chỉ thị số 636/CT-TTg ngày 20/5/2009 về triển khai thực hiện Luật Ban hành VBQPPL và các biện pháp thi hành luật. Việc xây dựng văn bản, đề án không những tuân thủ quy định của Luật Ban hành VBQPPL, mà còn được đổi mới theo hướng tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu từ lập dự kiến chương trình đến soạn thảo, thẩm định và ban hành; chú trọng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm nước ngoài, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Nội dung các văn bản, đề án đã thể chế hóa kịp thời đường lối, chính sách, định hướng quan trọng trong các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chứa đựng nhiều vấn đề mới, tiến bộ.

b) Công tác thẩm định, góp ý văn bản, đề án

Công tác thẩm định được đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng. Ý kiến thẩm định đã bám sát nội dung thẩm định theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP; đã chú trọng đánh giá tác động xã hội, có tính phản biện cao, bảo đảm tính khả thi. Nhiều ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã được các bộ, ngành chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng của các văn bản. Quy trình thẩm định văn bản đã có cải tiến nhiều so với trước đây như việc thành lập Hội đồng thẩm định là bắt buộc đối với dự thảo VBQPPL có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, đã huy động được sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia thuộc nhiều ngành, lĩnh vực có liên quan, qua đó đưa ra ý kiến phản biện tập thể giúp cơ quan soạn thảo nhìn nhận vấn đề một cách chính xác và khách quan hơn. Thông qua hoạt động góp ý, thẩm định VBQPPL, đã phát hiện và kiến nghị chỉnh lý nhiều vấn đề thuộc nội dung của nhiều dự án, dự thảo văn bản, đề án chưa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, hoàn chỉnh, thống nhất và trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều quy định pháp luật, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Tổ chức pháp chế đã và đang trở thành người gác cổng” đáng tin cậy cho lãnh đạo bộ, ngành trong công tác xây dựng VBQPPL. Việc thẩm định của Tổ chức pháp chế bộ, ngành trước khi người đứng đầu bộ, ngành ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản ngày càng được đề cao hơn, nhờ đó chất lượng thẩm định văn bản từng bước được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng văn bản được ban hành.

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác thẩm định VBQPPL đã được coi trọng, các Sở Tư pháp và các cơ quan Tư pháp địa phương ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc tham mưu, giúp HĐND, UBND các cấp ban hành VBQPPL. Nhiều lãnh đạo HĐND, UBND thể hiện sự tin tưởng đối với Sở Tư pháp và các cơ quan Tư pháp địa phương trong công tác thẩm định văn bản, đề án qua việc chỉ ký ban hành văn bản, đề án khi đã có ý kiến thẩm định của các cơ quan Tư pháp.

Tính đến hết ngày 30/09/2009, Bộ đã tiến hành thẩm định xong 441 văn bản, đề án, 107 điều ước quốc tế (bằng so với năm 2008); tham gia góp ý 910 văn bản các loại do các bộ, ngành gửi đến (giảm 74 văn bản so với năm 2008); cấp 28 ý kiến pháp lý cho các khoản vay nước ngoài. Các cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, huyện đã thẩm định và Tư pháp cấp xã đã góp ý 46.775 văn bản, đề án (chi tiết xem Phụ lục STP-01B).

c) Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL

Hoạt động kiểm tra VBQPPL tiếp tục được củng cố, tăng cường hơn năm 2008, hướng vào việc kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề, địa bàn, lĩnh vực; hoạt động kiểm tra ngày càng được nâng cao về chất lượng, thực hiện đúng quy trình và nâng cao sự phối kết hợp với các cơ quan hữu quan; đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời nhiều VBQPPL, thậm chí cả văn bản, nghị quyết của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sai sót về nội dung và hình thức; được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao, dư luận và xã hội đồng tình ủng hộ. Công tác rà soát, hệ thống hoá VBQPPL tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện theo chuyên đề và thí điểm tại một số cơ quan, địa phương, tiến tới nhân rộng trong toàn quốc.

Các cơ quan Tư pháp địa phương đã kiểm tra được 295.179 văn bản, trong đó phát hiện 12.017 văn bản có sai sót; đã kiến nghị xử lý 10.340 văn bản, chiếm 86% trên tổng số văn bản phát hiện có sai sót (chi tiết xem Phụ lục STP-1B). Riêng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận kiểm tra 4.005 văn bản theo thẩm quyền (gồm 699 văn bản của cấp Bộ và 3.306 văn bản của cấp tỉnh), bước đầu phát hiện 433/1.291 văn bản đã kiểm tra có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 33,54%.

Bộ đã hướng dẫn các bộ, ngành rà soát và xây dựng danh mục các VBQPPL hết hiệu lực; thực hiện rà soát VBQPPL năm 2009 và rà soát VBQPPL theo từng lĩnh vực; tiến hành rà soát VBQPPL trong phạm vi quản lý của bộ, ngành theo các cam kết của Tổ chức thương mại thế giới; tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý VBQPPL, làm cơ sở xây dựng Nghị định thay thế Nghị định này và đã trình Chính phủ xem xét ban hành.

Công tác đôn đốc thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL được tăng cường, đã tổ chức kiểm tra tại 12 địa phương; tập huấn nghiệp vụ rà soát, hệ thống hoá cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

d) Công tác theo dõi chung về thi hành pháp luật

Năm 2009, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện công tác này trong năm 2010. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1987/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật". Tiến hành xây dựng Thông tư quy định việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai Đề án từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2011.

[...]