Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Báo cáo 178/BC-UBND về kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình hành động hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2007 - 2011 và định hướng chương trình hành động giai đoạn 2012-2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 178/BC-UBND
Ngày ban hành 28/11/2012
Ngày có hiệu lực 28/11/2012
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thị Hồng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 178/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 11 năm 2012

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2007 - 2011 VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2012-2015

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chính thức thực hiện các cam kết khi gia nhập kể từ 11 tháng 01 năm 2007, thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 và Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 66/2007/QĐ-UBND ngày 02 tháng 5 năm 2007 về Kế hoạch triển khai Chương trình hành động Hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố giai đoạn 2007 - 2010 (sau đây gọi là Kế hoạch 66). Kế hoạch 66 đã xác định 11 nhóm nhiệm vụ với 52 công việc cụ thể giao cho các sở ngành chủ trì và phối hợp thực hiện. Phần lớn các nhóm nhiệm vụ đã được tích cực triển khai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và hội nhập toàn diện với nền kinh tế thế giới, Ủy ban nhân dân thành phố tổng kết Chương trình hành động, rà soát đánh giá kết quả các nhóm nhiệm vụ đã triển khai và đánh giá tác động của việc gia nhập WTO sau 5 năm. Đồng thời, xây dựng định hướng Chương trình hành động giai đoạn 2012-2015, để tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện của Đảng bộ và chính quyền thành phố, hỗ trợ thực hiện thắng lợi Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm tới.

Phần 1.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2007-2010 VÀ NĂM 2011

I. Kết quả đạt được:

1. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về WTO và lộ trình thực hiện các cam kết của nước ta khi gia nhập WTO:

1.1. Về việc mở chuyên mục thông tin tuyên truyền về WTO từ các cơ quan báo chí.

Từ tháng 4/2007, Đài Truyền hình thành phố đã kịp thời thực hiện các bản tin và ghi nhanh các nội dung liên quan đến sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, định kỳ thực hiện chuyên đề “Trên đường Hội nhập” phát vào tối hàng ngày và chuyên đề “Hội nhập và Phát triển” phát vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra, còn có các chuyên đề hội nhập theo từng lĩnh vực hay theo sự kiện được thực hiện đều đặn trong 2 năm 2007-2008 và phát lại trong năm 2009.

Báo Sài Gòn Giải phóng là một trong những tờ báo có nhiều bài viết thông tin về công tác hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO, ngay cả trước khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, các chuyên mục Thời sự, Doanh nghiệp - Thị trường, Tin tức, Thời sự Quốc tế, Chủ điểm... phản ánh khá đầy đủ diễn biến liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO để giúp bạn đọc, doanh nghiệp và cán bộ quản lý nắm được tình hình hội nhập. Thời báo Kinh tế Sài Gòn với đặc điểm là báo tuần chuyên về kinh tế, đã có các bài phân tích chuyên sâu về cơ hội, đánh giá, bài học và các khuyến nghị sâu về những vấn đề nảy sinh trong quá trình gia nhập WTO.

1.2. Về phía các cơ quan chức năng, công tác thông tin, tuyên truyền về WTO và lộ trình thực hiện các cam kết gia nhập WTO của nước ta được thực hiện thông qua các trang web của sở ngành, đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố.

Trung tâm WTO thành phố đã xây dựng trang web và Thư viện điện tử về hội nhập kinh tế quốc tế (ở địa chỉ http://www.hoinhap.org.vn), chuyên cung cấp các thông tin, tài liệu về WTO và hội nhập kinh tế quốc tế cho các đối tượng có nhu cầu. Trang web của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các chuyên mục về WTO. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng trang web riêng về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế (Technical Barriers to Trade - TBT) của thành phố Hồ Chí Minh, làm đầu mối thông báo và trả lời hồi đáp về TBT. Trang web TBT-TP.HCM hoạt động khá tích cực theo kế hoạch, đã rà soát văn bản pháp quy, thông tin cảnh báo, hỏi đáp, phổ biến về TBT với 1.996 tin cảnh báo, 205 lần hỏi - đáp, 1.364 tin về TBT, 1.068 trang truy cập văn bản pháp quy.

1.3. Về việc phổ biến cập nhật kiến thức về hội nhập, về các cam kết và lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, tổ chức các hội thảo chuyên đề về hội nhập, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Trung tâm WTO thuộc Viện Nghiên cứu phát triển và các sở, ngành đã phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về WTO, hội nhập kinh tế cho hơn 20.000 lượt đối tượng là các cán bộ, công chức, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong 2 năm 2009 - 2010, được sự hỗ trợ của các Dự án, Trung tâm WTO đã tổ chức được 7 khóa tập huấn chuyên sâu với các nội dung về tăng trưởng kinh tế và tài chính, công cụ phân tích thị trường, công cụ thâm nhập thị trường Mỹ, về nông nghiệp trong hội nhập và về tài chính - ngân hàng trong hội nhập kinh tế quốc tế... cho các cán bộ, công chức của các sở ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, giảng viên, nghiên cứu viên.

1.4. Về việc tổ chức các sự kiện truyền thông liên quan đến gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, Thường trực Ban Chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế thành phố cùng sở ngành thành phố phối hợp với các ngành của Trung ương, các dự án quốc tế tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề về gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế thu hút gần 6.000 lượt cán bộ tham dự. Các hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học, cán bộ quản lý nhà nước và được các phương tiện truyền thông đại chúng tập trung phản ánh, tiêu biểu là Hội thảo “Đánh giá tác động sau 3 năm gia nhập WTO và tái cấu trúc kinh tế thành phố” (phối hợp với Dự án BWTO) và Hội thảo “Rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với các quy định của WTO” (phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài).

Nhìn chung, các hoạt động thông tin tuyên truyền về hội nhập WTO được triển khai khá mạnh trong thời gian đầu khi Việt Nam gia nhập WTO, đã góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của các doanh nghiệp, cán bộ, công chức về WTO và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ mới triển khai trên diện rộng, thiếu thông tin chuyên sâu, chưa có các sản phẩm thông tin hội nhập với các chủ đề cụ thể phù hợp với nhu cầu từng nhóm đối tượng. Một trong những nguyên nhân là Thành phố còn gặp khó khăn về chương trình, tài liệu và báo cáo viên. Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động thông tin tuyên truyền, cần xây dựng kênh phối hợp trực tiếp với các chuyên gia của Bộ ngành Trung ương.

2. Về đẩy mạnh chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, doanh nghiệp và sản phẩm:

2.1. Về triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8, lần thứ 9, Thành phố đã triển khai các chương trình, đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đô thị. Đồng bộ với các chương trình, đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, các khu đô thị mới, cải tạo nâng cấp các cơ sở y tế, giáo dục trong khu vực nội thành và đầu tư xây dựng mới tại các khu vực ngoại thành nhằm giảm áp lực cho khu trung tâm, từng bước khắc phục nạn ùn tắc giao thông, di dời và tái bố trí 1.261 cơ sở sản xuất vào các khu công nghiệp và vùng phụ cận, tạo điều kiện xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

Với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa của các tỉnh khu vực phía Nam, Thành phố đã phát huy được lợi thế, đẩy mạnh liên kết với 34 tỉnh thành, địa phương, ký kết 548 dự án hợp tác với tổng giá trị ước khoảng 116.723 tỷ đồng; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại với 12 tỉnh, thành phố nước bạn để tìm kiếm các cơ hội hợp tác và đầu tư.

Trong giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009, để đảm bảo kinh tế của thành phố phát triển và chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt những giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố đã chủ động triển khai Chương trình hành động thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu đùng để hỗ trợ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Kết quả sau 05 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đã góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, giảm dần tỷ trọng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp để dần đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Bên cạnh đó, nội bộ các ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao; giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, hình thành các loại hình dịch vụ chất lượng cao. Cụ thể, khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GDP của thành phố, tăng từ 51,3% năm 2006 lên 52,3% năm 2007, lên 54,5% năm 2008, lên 54,8% năm 2009, năm 2010 tiếp tục tăng chiếm 55,2%. Các ngành dịch vụ quan trọng có tốc độ tăng trưởng khá là tài chính - ngân hàng, du lịch, dịch vụ vận tải - kho bãi, bưu chính - viễn thông, khẳng định trung tâm dịch vụ của cả Vùng. Khu vực công nghiệp và xây dựng có xu hướng giảm về tỷ trọng, năm 2006 chiếm 47,5% đến năm 2010 giảm còn 43,6%, năm 2011 chiếm 44,6%. Điều này là phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp thành phố đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền công nghiệp có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động sang nền công nghiệp hiện đại có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn. Các ngành chủ lực như cơ khí, hóa chất-nhựa-cao su, điện tử-công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm gần 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Thành phố. Một số ngành, sản phẩm như: nhựa, giấy, may mặc, dệt nhuộm ... đã chuyển dịch dần ra các tỉnh lân cận. Tỷ trọng GDP của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng ổn định trong những năm gần đây, chiếm khoảng 1,2%; tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị cao như cây con giống, rau sạch, cây và hoa kiểng,... phù hợp với thế mạnh về khoa học công nghệ của Thành phố; doanh thu bình quân một hecta đất sản xuất nông nghiệp năm 2009 đạt 138,5 triệu đồng/ha, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2005.

2.2. Về nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn:

- Thành phố triển khai Chương trình kích cầu thông qua đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất theo chiều sâu; ưu tiên các lĩnh vực mũi nhọn, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao. Chỉ tính từ giai đoạn II (tháng 02/2009) đến nay, Chương trình kích cầu đã hỗ trợ 543,2 tỷ đồng lãi suất cho 98 dự án, thu hút được 8.858 tỷ đồng vốn đầu tư. Tức là bình quân ngân sách bỏ ra 6,1 đồng sẽ thu hút được 100 đồng vốn đầu tư toàn xã hội vào các dự án theo định hướng phát triển của Thành phố. Vốn bình quân của các dự án ngày càng tăng, đạt 90,4 tỷ đồng/dự án.

- Thành phố đã nhanh chóng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất phục vụ 04 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư số 14/2012/TT-NHNN ngày 04 tháng 5 năm 2012 (và điều chỉnh bằng Thông tư số 20). Đến nay đã có hơn 4.200 (doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp (13% -15%/năm) với tổng dư nợ cho vay đạt 25.240 tỷ; trong đó dư nợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là: 13.979 tỷ; sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu: 3.250 tỷ; phát triển nông nghiệp, nông thôn: 3.558 tỷ và công nghiệp hỗ trợ: 4.454 tỷ đồng.

- Năm 2007, Thành phố đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn của các tổ chức tín dụng, phát triển sản xuất kinh doanh. Kết quả đến 31 tháng 5 năm 2012, sau hơn 5 năm hoạt động, Quỹ đã ký 92 hợp đồng bảo lãnh với tổng giá trị bảo lãnh là 702,98 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với tổng hạn mức là 1.142,05 tỷ đồng.

- Thành phố chủ động xây dựng các chương trình hỗ trợ, thiết thực cho doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu tình hình mới như hỗ trợ thông tin, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tư vấn pháp lý, tư vấn sở hữu trí tuệ... Tiêu biểu là chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu và chương trình hợp chuẩn của Sở Khoa học công nghệ phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) thực hiện; các lớp tập huấn cho doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý về các công cụ phân tích thị trường nhằm khai thác dữ liệu thương mại toàn cầu, phục vụ công tác xuất nhập khẩu do Trung tâm WTO thành phố thực hiện; hay các lớp tập huấn sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá giúp các doanh nghiệp xác định sớm các nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam do Trung tâm WTO thành phố phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm là vấn đề cốt lõi để hội nhập kinh tế thành công. Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ của thành phố nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật của sản phẩm, hỗ trợ nghiên cứu - triển khai (R&D) nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh lớn trên thương trường, đồng thời ít khả năng bị khiếu kiện hơn. Một vấn đề khác cũng cần quan tâm hơn nữa là việc nâng cao năng lực của các Hiệp hội doanh nghiệp/ngành nghề và các tổ chức tư vấn, chuyển dần các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp từ chính quyền qua các đơn vị này nhằm nâng cao hiệu quả đối với doanh nghiệp và phù hợp với các quy định của WTO mà Việt Nam đã cam kết.

[...]