Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2007 về chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành

Số hiệu 08-NQ/TW
Ngày ban hành 05/02/2007
Ngày có hiệu lực 05/02/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Thương mại

BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Nghị quyết số: 08-NQ/TW

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

Sau hơn 11 năm kiên trì và nỗ lực đàm phán, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ðây là kết quả của đường lối đổi mới của Ðảng, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế từ song phương, khu vực đến đa phương, toàn cầu mà Ðảng, Nhà nước ta đã thực hiện trong 20 năm qua.

Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, mở ra một giai đoạn mới, nền kinh tế nước ta hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới, đang có những biến đổi nhanh và sâu sắc. Việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra những cơ hội lớn để đất nước ta phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển; đồng thời cũng đặt ra những thách thức rất gay gắt, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của toàn Ðảng và toàn dân ta để vượt qua.

Trước tình hình và bối cảnh mới, Ban Chấp hành Trung ương đề ra một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

I- Cơ hội, thách thức

1- Cơ hội

Một là, chúng ta có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới với tư cách là một đối tác bình đẳng, không bị phân biệt đối xử và theo mức thuế các thành viên WTO cam kết. Ðây là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ của nước ta, tạo thêm việc làm, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Hai là, thực hiện các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, thể chế kinh tế thị trường ở nước ta ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, trong đó có các công ty xuyên quốc gia có tiềm lực tài chính lớn, công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến, đóng góp ngày càng quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta.

Ba là, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý ngày càng minh bạch hơn, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, khơi dậy mạnh mẽ những tiềm năng to lớn của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực sẽ hiệu quả hơn; tăng trưởng kinh tế, do đó, sẽ nhanh và bền vững hơn.

Bốn là, là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, nước ta có địa vị bình đẳng với các thành viên khác khi tham gia vào việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn; có điều kiện thuận lợi để đấu tranh bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam trong các cuộc tranh chấp thương mại với các thành viên khác, hạn chế những thiệt hại.

Năm là, chúng ta có những thuận lợi mới để thực hiện đường lối đối ngoại của Ðảng: "Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế", phát huy vai trò của nước ta trong các tổ chức khu vực và quốc tế, xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng với các nước trên thế giới.

Ngoài ra, khi thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, người tiêu dùng trong nước sẽ có thêm sự lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cạnh tranh hơn, dịch vụ hỗ trợ tiện lợi hơn, có chất lượng hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh.

2- Thách thức

Thứ nhất, nước ta phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Các sản phẩm và doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm và doanh nghiệp nước ngoài không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay trên thị trường trong nước. Chính phủ ta phải cạnh tranh với chính phủ các nước trong cải thiện môi trường thu hút đầu tư.

Thứ hai, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế có thể làm tăng thêm sự phân phối lợi ích không đồng đều giữa các khu vực, các ngành, các vùng, miền đất nước; có những bộ phận dân cư ít được hưởng lợi, thậm chí còn bị tác động tiêu cực; một bộ phận doanh nghiệp có thể bị phá sản, thất nghiệp có thể tăng lên; khoảng cách giàu - nghèo, mức sống giữa nông thôn và thành thị có thể doãng ra hơn, từ đó có thể dẫn đến những yếu tố gây bất ổn định xã hội, ảnh hưởng đến định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Thứ ba, với sự hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hóa quốc tế sẽ tác động mạnh hơn, nhanh hơn đến thị trường trong nước, tiềm ẩn nguy cơ không kiểm soát được thị trường, có thể gây ra rối loạn, thậm chí khủng hoảng kinh tế, tài chính, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ, công chức nước ta (bao gồm cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực) còn thiếu và yếu cả về năng lực chuyên môn, trình độ tin học, ngoại ngữ. Ðặc biệt, chúng ta còn thiếu một đội ngũ luật sư giỏi, thông thạo luật pháp quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các doanh nghiệp trong kinh doanh. Lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ trọng lớn, số lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao còn thiếu nhiều.

Thứ năm, cùng với những thách thức trong lĩnh vực kinh tế, quá trình hội nhập quốc tế đặt ra những thách thức lớn đối với chế độ chính trị, vai trò lãnh đạo của Ðảng và việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái cho phát triển bền vững của đất nước.

Những cơ hội, thách thức nêu trên có mối quan hệ, tác động qua lại, có thể chuyển hóa lẫn nhau. Cơ hội không tự phát huy tác dụng mà tùy thuộc vào khả năng tận dụng cơ hội của chúng ta. Tận dụng tốt cơ hội sẽ tạo ra thế và lực mới để vượt qua thách thức, tạo ra cơ hội lớn hơn. Ngược lại, nếu không nắm bắt, tận dụng thì cơ hội có thể bị bỏ lỡ, thách thức sẽ tăng lên, lấn át cơ hội, cản trở sự phát triển. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp, nhưng tác động đến đâu cũng còn tùy thuộc vào nỗ lực và khả năng vượt qua của chúng ta. Nếu tích cực chuẩn bị, có biện pháp đối phó hiệu quả, vươn lên nhanh trước sức ép của các thách thức thì không những chúng ta sẽ vượt qua được thách thức mà còn có thể biến thách thức thành động lực phát triển.

II- Một số chủ trương, chính sách lớn

1- Quan điểm chỉ đạo

Quan điểm chỉ đạo chung là: giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hội nhập vì lợi ích đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm cụ thể sau:

- Hội nhập kinh tế quốc tế là công việc của toàn dân. Nhân dân là chủ thể của hội nhập và được hưởng thành quả từ hội nhập. Mọi cơ chế, chính sách phải nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, khả năng sáng tạo và phát huy mọi nguồn lực của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; phát huy vai trò của đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài vào công cuộc phát triển đất nước và tăng thêm sự gắn bó của đồng bào với Tổ quốc.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi liền với nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái.

- Gắn khai thác với sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực; phát huy tối đa nội lực đi đôi với thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, tạo thành sức mạnh quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động, tích cực tạo ra và sử dụng có hiệu quả cao các lợi thế so sánh của đất nước.

- Trên cơ sở thực hiện các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế phù hợp với chủ trương, định hướng của Ðảng và Nhà nước; chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới, tham gia vào các vòng đàm phán mới, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương.

- Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, đồng thời phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

[...]