Báo cáo 1528/BC-BYT năm 2022 về thực trạng tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1528/BC-BYT
Ngày ban hành 14/11/2022
Ngày có hiệu lực 14/11/2022
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1528/BC-BYT

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2022

 

BÁO CÁO

THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH CUNG ỨNG, SỬ DỤNG THUỐC, VẬT TƯ TIÊU HAO VÀ TRANG THIẾT BỊ TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2022 và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương và các đơn vị áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về nhập khẩu, mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế nhằm khẩn trương khắc phục kịp thời, hiệu quả các tồn tại, vướng mắc, bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế. Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu của các địa phương, đơn vị; trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Bộ Y tế tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

1. Thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Ngày 05/8/2022, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BYT thành lập 04 Đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 04 đoàn đã tiến hành kiểm tra trên toàn quốc từ ngày 11/8/2022 đến ngày 25/8/2022, các đoàn đã lựa chọn các tỉnh, thành phố mang tính chất đại diện các vùng, miền trên toàn quốc để khảo sát trực tiếp (phụ lục 1 kèm theo).

- Ngoài việc kiểm tra trực tiếp, Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu các Sở Y tế và bệnh viện TW báo cáo về tình hình cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Tổng số các đơn vị đã gửi báo cáo theo đường công văn (tính đến ngày 31/8/2022) có 18/63 Sở Y tế và 05/37 bệnh viện tuyến Trung ương (phụ lục báo cáo của các đơn vị).

- Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các cơ sở y tế được tiến hành kiểm tra, khảo sát đều có tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, tuy nhiên ở các mức độ khác nhau (chi tiết phụ lục 2). Hiện tượng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra tương đối nghiêm trọng ở một số bệnh viện, ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh. Một số bệnh viện tuyến tỉnh xảy ra tình trạng thiếu cục bộ tại một số thời điểm. Báo cáo của Sở Y tế Sóc Trăng, Đồng Nai, Lâm Đồng và một số địa phương khác cho thấy thiếu một số loại thuốc như Fosfomycin, Lidocain, Epinephrin, Monobasic Natriphosphat, Dibasic Natriphosphhat, Fluocinolon Acetonid, Bari Sulfat... Lý do thiếu là do nhà thầu giao hàng chậm trễ hoặc không có công ty dự thầu.

- Theo thống kê, khoảng 90% bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị. Tình hình này xảy ra nghiêm trọng hơn tại một số lĩnh vực như: cấp cứu, hồi sức tích cực, tim mạch, ngoại... Tại Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, do lượng người bệnh tăng đột biến sau giai đoạn giãn cách do COVID-19, đồng thời phải tiếp nhận số lượng lớn người bệnh từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển đến (trong đó có cả các trường hợp không phải người bệnh nặng, nguy kịch) nên có thiếu hụt một số loại thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao để phục vụ người bệnh, trong đó có cả các vật tư tiêu hao đắt tiền (vật tư tim mạch can thiệp: van tim, stent, bóng nong động mạch vành...).

- Tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, qua tổng hợp báo cáo của các Sở Y tế cho thấy có xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong thời điểm chuyển tiếp giữa các gói thầu hoặc do nhà thầu cung ứng chậm, nhỏ giọt. Một số bệnh viện trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19 thường xuyên tiếp nhận bệnh nặng phải sử dụng các nhóm thuốc chống sốc, vận mạch như Dobutamine-Hameln, Nacardipin, Nitroglycerin... dẫn đến mất cân đối so với kế hoạch ban đầu. Tại các tỉnh Đắk Lắk, gói thầu tập trung cấp địa phương do Sở Y tế thực hiện bao gồm 129 danh mục theo quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BYT ngày 10/8/2020 của Bộ Y tế chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu, các thuốc thuộc danh mục này đang thiếu hàng loạt, đó là những thuốc thiết yếu, thuốc phục vụ cho công tác cấp cứu.

2. Giải pháp trước mắt của một số đơn vị

Để khắc phục vấn đề này, một số bệnh viện đã chủ động triển khai một số biện pháp để đảm bảo khả năng cung ứng thuốc cho người bệnh, điển hình là Bệnh viện 71 Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với một số biện pháp như:

(1) Chủ động dự trù số lượng các mặt hàng đầy đủ và đa dạng theo nhu cầu thực tế tại đơn vị;

(2) Liên hệ, đàm phán với công ty cung ứng và chủ động hơn trong việc thanh toán công nợ;

(3) Chủ động thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất để khám, chữa bệnh tại bệnh viện;

(4) Đối với các thuốc cấp cứu, thuốc và vật tư y tế thiết yếu, bệnh viện thực hiện mua thuốc theo hình thức chỉ định thầu với giá trị gói thầu thấp hơn 50 triệu;

(5) Giải thích và chuyển người bệnh lên tuyến cao hơn để đảm bảo quyền lợi KCB BHYT của người bệnh.

3. Một số tác động của tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế

3.1. Đối với người bệnh

- Bệnh viện tuyến dưới chuyển người bệnh lên tuyến trên do thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị;

- Người bệnh có xu hướng tới bệnh viện tư nhân ở địa phương để can thiệp, điều trị trong thời gian bệnh viện công thiếu thuốc, vật tư;

- Người bệnh phải thay đổi thuốc, thay đổi liệu trình điều trị dẫn đến tăng chi phí điều trị;

- Người bệnh phải tự đi mua thuốc, vật tư y tế, tự bảo quản thuốc có thể dẫn đến không bảo đảm chất lượng của thuốc, vật tư và các tác dụng không mong muốn khác;

- Người bệnh phải chờ đợi lâu do không đủ trang thiết bị để chẩn đoán, điều trị, dẫn đến tỷ lệ hài lòng của người bệnh đối với cơ sở y tế giảm.

3.2. Đối với cơ sở khám, chữa bệnh và nhân viên y tế

- Chất lượng, uy tín của bệnh viện và lòng tin của người bệnh đối với bệnh viện và nhân viên y tế giảm; Tỷ lệ hài lòng nhân viên y tế giảm;

- Tăng thêm áp lực trong công việc, kết hợp với khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần dẫn đến tình trạng giảm động lực làm việc, gia tăng số lượng nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc chuyển cơ sở khác (chủ yếu chuyển sang khu vực y tế tư nhân với lý do có điều kiện làm việc tốt hơn);

- Ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện, một số đơn vị không đủ kinh phí để hoạt động, không đủ để thực hiện bảo đảm chế độ, chính sách liên quan cho nhân viên y tế, người lao động.

[...]