Báo cáo 144/BC-BVHTTDL về công tác văn hóa, thể thao và du lịch sáu tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2010 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 144/BC-BVHTTDL
Ngày ban hành 20/07/2010
Ngày có hiệu lực 20/07/2010
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Nguyễn Danh Thái
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 144/BC-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2010

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH SÁU THÁNG ĐẦU NĂM, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ SÁU THÁNG CUỐI NĂM 2010

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Phần thứ nhất.

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ SÁU THÁNG ĐẦU NĂM 2010

I. KHÁI QUÁT CHUNG

Năm 2010 nền kinh tế nước ta căn bản đã thoát khỏi sự tác động của suy thoái kinh tế thế giới, bước vào năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, năm có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Chương trình hành động toàn khóa của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011. Năm 2010 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, nhiều ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là việc tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội nêu trên là động lực to lớn để Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng với cả nước nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Ngành và của đất nước, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển đã đề ra.

Thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2010 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010. Với quyết tâm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình, tác phẩm, thành tích hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng”, 10 nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của Ngành năm 2010 đã được triển khai chủ động, hiệu quả. Các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, trang trọng và xúc động, tạo được bầu không khí chính trị tích cực trong nhân dân. Toàn Ngành đã tổ chức 59 giải thể thao quốc gia, tham dự 56 giải thể thao quốc tế và đăng cai tổ chức 5 giải thể thao quốc tế; giành 188 huy chương tại các giải thi đấu quốc tế (78 huy chương vàng, 60 huy chương bạc, 50 huy chương đồng); 58/63 tỉnh-thành phố đã tổ chức xong Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh, 14 môn trong chương trình thi đấu của Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VI đã được tổ chức. Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam - Điểm đến của bạn” và nhiều hoạt động xúc tiến du lịch quy mô lớn gắn với các ngày lễ lớn của đất nước mang lại hiệu quả rõ rệt. Tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 2.510.521 lượt, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2009, là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội có mức tăng trưởng cao nhất trong sáu tháng đầu năm 2010.

Qua theo dõi và phản ảnh của công luận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, những hạn chế, bất cập trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành sáu tháng đầu năm 2010 tuy không phát sinh vấn đề mới nhưng là những hạn chế, bất cập kéo dài trong nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục, xử lý triệt để, như: việc tổ chức lễ hội và công tác quản lý lễ hội, tình trạng xâm phạm di tích, di tích bị xuống cấp, bạo lực gia đình, bạo lực thể thao, sản phẩm du lịch nghèo và đơn điệu, chất lượng dịch vụ du lịch thấp, những biểu hiện buông lỏng quản lý của các địa phương, dẫn đến mất kiểm soát giá dịch vụ du lịch, nhất là giá phòng, giá tour… Đáng lưu ý là, những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và ý thức văn hóa của người tham gia lễ hội có xu hướng lan rộng, thực sự trở thành một tệ nạn, khó có thể giải quyết triệt để trong thời gian ngắn.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác quản lý nhà nước

1.1. Xây dựng và ban hành văn bản quản lý nhà nước

Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước được các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh - thành chủ động thực hiện, bám sát thực hiện hoạt động của Ngành, bảo đảm chất lượng, tiếp tục hoàn thiện một bước hệ thống quy phạm pháp luật của Ngành, căn bản đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước, kịp thời chuyển tải sự chỉ đạo, điều hành của Bộ đến các địa phương, đơn vị, tạo hành lang pháp lý và bảo đảm sự vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả của bộ máy tổ chức Ngành, từ Trung ương đến cơ sở.

Nhiều Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề, các đề án, quy hoạch phát triển Ngành, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, các văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của Bộ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sự nghiệp và bảo đảm cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở địa phương được thực hiện đúng pháp luật, đạt hiệu quả tốt (xin tham khảo phụ lục kèm theo).

1.2. Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ

Bộ trưởng và các Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch; các đề án được giao theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 57/NQ-CP của Chính phủ; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2008/CT-TTg ngày 01/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên Đán Canh Dần năm 2010; phát động phong trào thi đua lập thành tích thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Bộ trưởng và các Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng: Công tác tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chào Xuân mới 2010, mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi”; Lễ hoàn táng thi hài Vua Lê Dụ Tông; Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Ca Trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Triển lãm EXPO 2010 tại Thượng Hải - Trung Quốc; Hội thảo quốc tế về du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long; Hội nghị đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010; Hội thảo quốc gia “Phát triển du lịch trong bối cảnh chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”; hoàn thiện hồ sơ “Đờn ca tài tử” trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; công tác chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ nhất và việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú về Di sản văn hóa phi vật thể…

Bộ trưởng, các Thứ trưởng đã thực hiện các chuyến công tác, khảo sát thực tiễn và có ý kiến chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ của Ngành tại các địa phương: Công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; công tác chuẩn bị tổ chức Liên hoan quốc tế Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ III tại Bình Định; công tác tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông năm 2010 tại Quảng Trị; việc tổ chức kỷ niệm 245 năm Ngày sinh, 190 năm Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và quy hoạch phát triển thể dục thể thao của tỉnh Hà Tĩnh; việc xây dựng huyện điểm văn hóa Trà Cú và công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; về đề án xây dựng thị xã Bà Rịa đạt danh hiệu văn hóa giai đoạn 2006 - 2010; về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội kỷ niệm 310 năm Ngày mất của Lễ Thành Hầu Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh trong khuôn khổ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng Bình; về công tác tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột quốc tế năm 2011 tại Đắk Lắk; về Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Điện Biên; làm việc với tỉnh Gia Lai về tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế; về định hướng phát triển hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của các tỉnh - thành phố: Đắk Nông, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thành phố Hồ Chí Minh … Kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Thực hiện các chuyến thăm ngoại giao và làm việc tại các nước, tham dự các diễn đàn quốc tế đa phương, Bộ trưởng, các Thứ trưởng đã tiến hành ký kết các chương trình, thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ… nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với các nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Brunei, Cuba, Mexico, Argentina, Pháp, Campuchia, Lào, Myanmar…

1.3. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm

Trong lĩnh vực văn hóa, những tháng đầu năm diễn ra nhiều lễ hội trên hầu hết các tỉnh - thành trong cả nước, lực lượng thanh tra tập trung kiểm tra công tác quản lý lễ hội, hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa và môi trường du lịch tại các khu di tích, khu du lịch, các lễ hội và điểm sinh hoạt tín ngưỡng. Nhìn chung các lễ hội đã phát huy được nét đẹp văn hóa và giá trị truyền thống của dân tộc; các địa phương đều quán triệt và thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: đặt tiền lễ chưa đúng nơi quy định, tại một số di tích có nhiều khay đặt tiền lễ, nhiều hòm công đức; việc quản lý sử dụng nguồn thu từ tiền công đức, tiền giọt dầu chưa minh bạch; tình trạng ách tắc cục bộ, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, xóc thẻ, bói toán, đốt nhiều vàng mã, hầu đồng, trờ chơi mang tính cờ bạc, chèo kéo, ép khách, nâng giá hàng quá mức trong những ngày đầu xuân vẫn còn xảy ra tại một số lễ hội…

Thanh tra Bộ thành lập các đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính; yêu cầu Sở VHTTDL các tỉnh, thành truy quét và xử lý bộ đĩa DVD “Vườn hoa âm nhạc và tiếng cười 15” và bộ đĩa ASIA 65 có tựa đề “55 năm nhìn lại”, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cuốn sách “Con đường Việt Nam” do Nhà xuất bản Thời đại mới của Mỹ phát hành. Xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng đối với 03 công ty tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do vi phạm các quy định trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan…

Trong lĩnh vực thể dục thể thao, đã kiểm tra 04 giải thi đấu thể thao: Giải vô định điền kinh trẻ quốc gia năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh, Giải vật cúp quốc gia năm 2010 tại Thái Nguyên, Giải vô địch quần vợt nữ toàn quốc tại Đắk Lắk và Giải Cầu mây bãi biển tại Nghệ An; kiểm tra công tác tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ và đội tuyển trẻ tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng và các hoạt động dịch vụ thể dục, thể thao tại tỉnh Nghệ An…

Trong lĩnh vực du lịch, đã thành lập 18 đoàn kiểm tra các hoạt động kinh doanh lữ hành, hoạt động lưu trú, hướng dẫn du lịch, bảo vệ môi trường du lịch; phát hiện và xử phạt 39 doanh nghiệp, cá nhân vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 289.650.000 đồng. Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai về hoạt động phòng, chống buôn bán người và du lịch tình dục trẻ em; tuyên truyền về hoạt động phòng, chống buôn bán người trên Website của ngành Du lịch…

Tính đến 30/6/2010, Thanh tra Bộ đã tổ chức 67 cuộc thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xử phạt vi phạm hành chính 55 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền 392.150.000 đồng, cảnh cáo 11 đơn vị, tịch thu 01 thẻ hướng dẫn viên du lịch, chuyển cơ quan điều tra 01 vụ có dấu hiệu vi phạm luật hình sự; tiếp 09 lượt công dân; nhận và giải quyết 147 đơn thư của công dân.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, Thanh tra Sở VHTTDL và Đội kiểm tra liên ngành một số tỉnh-thành đã tiếp 210 lượt công dân, nhận và giải quyết 279 đơn thư các loại; đã tiến hành kiểm tra 8.845 cơ sở; phát hiện và xử lý 2.490 cơ sở vi phạm; cảnh cáo 128 cơ sở; đình chỉ hoạt động 42 cơ sở; chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự 01 vụ; tạm giữ 07 giấy phép kinh doanh. Xử phạt vi phạm hành chính trên 6,9 tỷ đồng.

2. Các lĩnh vực hoạt động chuyên ngành

2.1. Văn hóa, gia đình:

[...]