Báo cáo 120/BC-BYT về báo cáo tình hình thực hiện văn bản pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế năm 2005 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 120/BC-BYT
Ngày ban hành 20/02/2006
Ngày có hiệu lực 20/02/2006
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trịnh Quân Huấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 120/BC-BYT
V/v: báo cáo tình hình thực hiện văn bản pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế năm 2005

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2006 

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VĂN BẢN PHÁP LUẬTVỀ QUẢN LÝ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM CỦA NGÀNH Y TẾ NĂM 2005

Kính gửi: Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Thực hiện công văn số 1115/UBKHCNMT 11 ngày 30/12/2005 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội về việc báo cáo tình hình thực hiện văn bản pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Bộ Y tế xin báo cáo như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VSATTP

1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm

1.1. Soạn thảo và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật

- Văn bản đã ban hành: 17, gồm 11 Quyết định, 4 Thông tư liên tịch, 1 Tờ trình Chính phủ và 1 chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Văn bản đã hoàn chỉnh trình lãnh đạo Bộ: 4 văn bản.

- Văn bản chưa hoàn chỉnh hoặc đang trong giai đoạn dự thảo: 10 văn bản (xin xem chi tiết tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Như vậy, mới có 17/31 văn bản được ban hành, đạt 55% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, với sự hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị định 163, đặc biệt là các Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và các Bộ liên quan trong việc phân công trách nhiệm quản lý VSATTP đã và sắp ban hành sẽ phân định rõ trách nhiệm của từng Bộ và giảm bớt sự chồng chéo cũng như bỏ ngỏ trong quản lý VSATTP lưu thông trên thị trường; đồng thời từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

2.2. Tổ chức thực hiện các văn bản

- Trong đợt tổ chức Hội nghị tập huấn toàn quốc vào tháng 12/2005, Bộ Y tế đã tiến hành giới thiệu nội dung các văn bản đã được ban hành và văn bản đã hoàn chỉnh trình Lãnh đạo Bộ cho các đại biểu tham dự Hội nghị gồm Lãnh đạo các sở y tế và chuyên viên phòng Nghiệp vụ y của sở; lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh và Trưởng khoa VSATTP; đồng thời Bộ Y tế đã tiếp thu giải đáp những vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai ở địa phương.

- Đưa nội dung của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị định 163 vào chương trình của lớp đào tạo chứng chỉ VSATTP cho cán bộ làm công tác quản lý VSATTP tuyến tỉnh và huyện. Năm 2005, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Hà Nội tổ chức 9 lớp đào tạo cấp chứng chỉ VSATTP cho đối tượng cán bộ y tế làm công tác VSATTP tuyến tỉnh và huyện với 439 học viên của 41 tỉnh, thành phố được cấp chứng chỉ.

2. Quản lý và thực hiện VSATTP trong chế biến, kinh doanh thực phẩm

Chúng ta đều biết, ngoài vấn đề về tiêu chuẩn dinh dưỡng của thực phẩm, vấn đề được người tiêu dùng và xã hội quan tâm nhất hiện nay là an toàn vệ sinh của các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày. Trong thực tế, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm, nhưng thực phẩm bị ô nhiễm VSV và hoá chất độc hại là nguyên nhân gây ngộ độc cấp tính và mạn tính, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng

2.1. Thực phẩm tươi sống, sơ chế bán tại các chợ

Hiện nay, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ đã được chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan quan tâm từ khâu đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đến các hoạt động kiểm tra VSATTP. Tuy nhiên, việc này mới chỉ thực hiện được ở một số chợ đầu mối, chợ có giao lưu thương mại lớn. Trong khi đó, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị ô nhiễm trong quá trình sản xuất, chế biến và ngay trong quá trình lưu thông, buôn bán vẫn được tiêu thụ phổ biến trong các quầy hàng, chợ cóc, chợ nhỏ...trong các ngõ hẻm đường phố, làng xã.

a/ Đối với thực phẩm nguồn gốc động vật

- Ô nhiễm vi sinh vật: Khảo sát của Cục Thú y về tình trạng ô nhiễm vi sinh vật (VSV) trong thịt và sữa tại một số điểm giết mổ, chợ, cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tình hình ô nhiễm VSV ở thịt và sữa là đáng lo ngại. Tỷ lệ mẫu thịt (gà, bò, lợn) không đạt tiêu chuẩn về cả 4 chỉ tiêu VSV (E. Coli, Coliform, Salmonella, Clostridium) ở địa bàn Hà Nội là 81,3%, đặc biệt ở thịt bò là 100% số mẫu; ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 32%. Tỷ lệ mẫu sữa không đạt tiêu chuẩn ở các của hàng bán lẻ ở Hà Nội rất cao, tới 90% số mẫu, đặc biệt là tụ cầu vàng.

- Ô nhiễm hoá chất độc hại: Mức độ tồn dư cadimi, chì, thuỷ ngân trong thịt tươi (thịt lợn, thịt gà) tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh thành phố có xu hướng giảm dần cả về tỷ lệ nhiễm và dư lượng của chúng trong thịt tươi. Tỷ lệ mẫu có tồn dư kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn cho phép không cao, cụ thể:

Hà Nội: Tỷ lệ mẫu thịt lợn có tồn dư cadimi vượt ngưỡng là 6,67%, tồn dư chì vượt ngưỡng là 6,67% và tồn dư thuỷ ngân không vượt ngưỡng cho phép. Tỷ lệ mẫu thịt gà không có tồn dư cadimi vượt ngưỡng, tồn dư chì và thuỷ ngân không vượt ngưỡng.

TP. Hồ Chí Minh: Tỷ lệ mẫu thịt lợn có tồn dư cadimi vượt ngưỡng là 3.33%, tồn dư chì vượt ngưỡng là 3,33% và tồn dư thuỷ ngân vượt ngưỡng 0%. Tỷ lệ mẫu thịt gà có tồn dư cadimi vượt ngưỡng là 6,67%, tồn dư chì vượt ngưỡng là 1,67% và tồn dư thuỷ ngân trong giới hạn cho phép.

b/ Đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật

- Kết quả khảo sát của Cục bảo vệ thực vật đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong một số loại rau tiêu thụ trên thị trường TP. Hồ chí Minh và Hà Nội năm 2005 cho thấy:

Tại Hà Nội: Số mẫu có dư lượng thuốc BVTV chiếm 50/72 mẫu (69,4%), trong đó số mẫu có dư lượng vượt mức cho phép là 18/72 mẫu (25%). Cụ thể: đậu đỗ 78%, rau cải 61,1% và tỷ lệ mẫu có dư lượng vượt ngưỡng tối đa cho phép: đậu đỗ là 28%, rau cải là 22%

Tại TP. Hồ Chí Minh: Số mẫu có dư lượng thuốc BVTV chiếm 55/72 mẫu (76,4%), trong đó số mẫu có dư lượng vượt mức cho phép là 17/72 mẫu (23,6%). Cụ thể: đậu đỗ 78%, rau cải 72% và tỷ lệ mẫu có dư lượng vượt ngưỡng tối đa cho phép: đậu đỗ là 22%, rau cải là 25%.

Thuốc BVTV cấm sử dụng methamidophos vẫn có dư lượng trong mẫu đậu đỗ là 11,1% (Hà Nội); thuốc cấmendosunfanmethamidophosvẫn có dư lượng trong một số mẫu đậu đỗ và rau cải là 2,5% và 5,5% (TP. Hồ Chí Minh)

[...]