Công văn 2064/QLCL-CL2 năm 2014 báo cáo tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản phẩm rau, củ, quả, chè do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành

Số hiệu 2064/QLCL-CL2
Ngày ban hành 20/10/2014
Ngày có hiệu lực 20/10/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Người ký Phùng Hữu Hào
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THUỶ SẢN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2064/QLCL-CL2
V/v báo cáo tình hình thi hành pháp luật về ATTP đối với chuỗi sản phẩm rau, củ, quả, chè

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Pháp chế)

Thực hiện công văn số 7902/BNN-PC ngày 01/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo kết quả thực hiện như sau:

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CHUỖI RAU, CỦ, QUẢ VÀ CHÈ.

1. Tình hình ban hành các văn bản đôn đốc, tổ chức thực hiện.

Để thực hiện công tác quản lý chất lượng, ATTP đối với sản phẩm rau, quả và chè, Cục đã tham mưu, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các quy định, các văn bản hướng dẫn chỉ đạo việc kiểm soát ATTP theo chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Danh sách các văn bản xem Phụ lục 1 kèm theo).

Hàng năm đều có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức Hội nghị khu vực phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc triển khai.

2. Công tác tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về rau, củ, quả và chè.

- Năm 2012: Theo báo cáo Tổng kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2012 và Kế hoạch trọng tâm năm 2013, các đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức 62 hội nghị, lớp đào tạo/tập huấn phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về chất lượng VTNN& ATTP nông lâm thủy sản cho 4831 lượt người tham dự; in, phát 22000 tờ rơi, tờ dán, 15600 sổ tay hướng dẫn; hợp tác với Đài phát thanh (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất, phát sóng 08 chương trình phổ biến văn bản QPPL, 20 thông điệp, 08 mách nhỏ hướng dẫn kỹ thuật, 03 phóng sự về đảm bảo ATTP nông lâm thuỷ sản. Năm 2012 đã áp dụng biện pháp phổ biến, giáo dục trực tiếp cho người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn thông qua chỉ đạo, hỗ trợ một số chi cục địa phương trọng điểm triển khai phát bản tin đảm bảo an toàn thực phẩm trên hệ thống phát thanh xã/phường. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Cục Quản lý CL NLTS đã chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam tổ chức 06 Hội thảo tập huấn cán bộ của các tỉnh hội về tuyên truyền vận động ”không sản xuất kinh doanh rau không an toàn” và ”không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn”; hoàn thiện, xuất bản tài liệu tuyên truyền vận động và triển khai thí điểm tại một số địa phương trọng điểm, thông qua đó xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên tại cộng đồng về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Phối hợp với Đoàn thanh niên cơ quan Bộ Nông nghiệp&PTNT xây dựng và tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi về đảm bảo ATTP tới các cơ sở sản xuất, các hộ kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Trong năm 2013, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội trong phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về chất lượng VTNN, ATTP bao gồm:

Phối hợp với Đài truyền hình xây dựng và phát 04 clip về chuỗi sản xuất nông sản, thủy sản an toàn, 04 clip giới thiệu văn bản quy định mới, 01 Chương trình mách nhỏ cho nhà nông, xây dựng các băng hình truyền thông để quảng bá thủy sản Việt Nam và thúc đẩy áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản; phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam mở chuyên mục VietGAP chất lượng và an toàn thực phẩm. Phối hợp với Đoàn thanh niên cơ quan Bộ Nông nghiệp&PTNT xây dựng tờ rơi và phát tờ rơi tới các hộ sản xuất, kinh doanh về đảm bảo ATTP trên địa bàn Hà Nội.

Phối hợp với Trường Quản lý cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho 355 Tiểu giảng viên và các bộ chuyên trách tại địa phương làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản.

Tổ chức 27 hội nghị, hội thảo phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về chất lượng VTNN& ATTP nông lâm thủy sản cho 2010 lượt người tham dự.

- Trong 6 tháng đầu năm 2014:

Các cơ quan thuộc Bộ đã phối hợp với các Báo Nông nghiệp, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Tiền phong, Báo Lao Động xây dựng và đăng 13 bản tin về VietGAP, an toàn thực phẩm nông thủy sản; tổ chức hội nghị, hội thảo,

Đến cuối năm sẽ tiếp tục phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng 10 phóng sự phổ biến các mô hình quản lý ATTP theo chuỗi.

Các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và đặc biệt đã chú trọng hoạt động truyền thông về đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản (tổ chức 4421 hội thảo, hội nghị cho 188.777 lượt người tham dự; in, phát 194.800 tờ rơi, tờ dán, băng rôn tuyên truyền ATTP, tài liệu kỹ thuật; phối hợp với đài phát thanh truyền hình các tỉnh/thành phố, các báo địa phương và truyền thông lưu động phát 2.362 bản tin/phóng sự).

Tháng 9/2014, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản mới ban hành bộ tài liệu, câu hỏi về kiểm tra, xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP. Với bộ tài liệu này sẽ giúp cho việc tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP cho người sản xuất kinh doanh được thuận lợi, nâng cao nhận thức, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về ATTP (Các văn bản tuyên truyền cụ thể tại phụ lục 2)

Hiện tại, Cục cũng đang tiếp tục phối hợp với Trường Quản lý cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đào tạo nâng cao cho các cán bộ chuyên trách ở Trung ương và các địa phương về công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản.

3. Về việc bảo đảm nguồn lực triển khai thi hành các quy định của pháp luật an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè

Trên cơ sở những nhiệm vụ, quyền hạn của Cục, các đơn vị trực thuộc Cục không thể thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được chi tiết tại phụ lục 3.

II. TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM THEO CHUỖI SẢN PHẨM RAU, CỦ, QUẢ VÀ CHÈ

1. Tình hình thực hiện trong phạm vi quản lý của Cục.

1.1.Kết quả thực hiện các quy định trong từng văn bản quy phạm pháp luật hoặc nhóm văn bản cùng về một vấn đề: Kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Cục, đơn vị thuộc Cục, kết quả thực hiện của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.

* Triển khai chương trình giám sát ATTP theo quy định tại Thông tư số 05/2010/TT-BNNPTNT: Cục QLCL NLS&TS chủ trì thẩm định và trình Bộ phê duyệt kế hoạch giám sát ATTP, Cục BVTV triển khai chương trình giám sát ATTP, trong đó bao gồm sản phẩm rau, quả và chè.

* Triển khai Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT, Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT: là cơ quan đầu mối, Cục đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch của Bộ (Tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra việc triển khai Thông tư 14 tại các cơ quan quản lý ở địa phương; kiểm tra tình hình tuân thủ quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh về điều kiện bảo đảm ATTP; thông báo công khai kết quả kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh...); xây dựng báo cáo chung cho các cuộc họp giao ban hàng tháng theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.

* Thực hiện Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT: Cục đã phối hợp với Cục BVTV thực hiện thẩm tra hồ sơ đăng ký của các nước nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam và làm việc với đại diện tổ chức, cá nhân trong vào ngoài nước về vấn đề liên quan; đi kiểm tra hệ thống kiểm soát ATTP và cơ sở sản xuất kinh doanh của nước xuất khẩu (Trung Quốc, Myanmar). Hiện tại, có 38 nước được công nhận vào Danh sách được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.

* Triển khai Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau quả không đảm bảo ATTP như: Các trường hợp trái cây, rau gia vị xuất khẩu sang EU có tồn dư thuốc BVTV; Hiện tượng trà phế thải được tuồn vào các xưởng chuyên làm trà bẩn tại TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng; Hiện tượng dùng hoá chất để ép chuối chín hoặc làm sạch vỏ đào; phối hợp với ngành Y tế, Công thương kiểm tra cơ sở sản xuất ô mai...

1.2. Các dạng vi phạm chủ yếu, tình hình xử phạt vi phạm hành chính và Nguyên nhân của các vi phạm đã phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra của các Cục.

[...]