Báo cáo 111/BC-UBND năm 2014 về kết quả thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình hành động Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2007-2013 và kế hoạch Chương trình hành động giai đoạn 2014-2015 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 111/BC-UBND
Ngày ban hành 10/07/2014
Ngày có hiệu lực 10/07/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thị Hồng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 7 năm 2014

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2007 - 2013 VÀ KẾ HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2015

Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 và Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 66/2007/QĐ-UBND ngày 02 tháng 5 năm 2007 về Kế hoạch triển khai Chương trình hành động Hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố giai đoạn 2007-2010. Ủy ban nhân dân thành phố đã rà soát đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2007-2011 tại Báo cáo số 178/BC-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2012 và tiếp tục tiến hành sơ kết Chương trình hành động giai đoạn 2007-2013; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2014-2015, để tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện của Đảng bộ và chính quyền thành phố, hỗ trợ thực hiện thắng lợi Kế hoạch kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2007 - 2013

I. Kết quả đạt được:

1. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về WTO và lộ trình thực hiện các cam kết của nước ta khi gia nhập WTO

Các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai khá mạnh trong thời gian qua, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của doanh nghiệp, cán bộ, công chức về WTO và hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ năm 2007 đến nay, các cơ quan báo đài đã tích cực thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về WTO và hội nhập kinh tế quốc tế với các chương trình truyền hình và phát thanh như “Trên đường hội nhập”, “Hội nhập và phát triển” được thực hiện định kỳ, các bài viết thông tin và phân tích chuyên sâu về những vấn đề nảy sinh trong quá trình gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, giúp doanh nghiệp, cán bộ quản lý và người dân nắm được tình hình hội nhập. Công tác thông tin cũng được thực hiện thông qua các trang web của sở ngành chức năng. Đặc biệt, Trung tâm WTO thành phố với trang web và Thư viện điện tử về hội nhập kinh tế quốc tế (ở địa chỉ http://www.hoinhap.org.vn) thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu về WTO và hội nhập kinh tế quốc tế cho các đối tượng có nhu cầu.

Thường trực Ban Chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế thành phố cùng các Sở ngành phối hợp với các ngành Trung ương, các dự án quốc tế tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề và các lớp bồi dưỡng kiến thức về các cam kết và lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và các Hiệp định thương mại tự do khác, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thông tin thị trường… cho hơn 27.000 lượt đối tượng là các cán bộ, công chức, doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội nắm bắt và tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Trung tâm WTO đã tổ chức 01 khóa tập huấn chuyên sâu kéo dài trong 03 tuần dành cho cán bộ Sở ngành làm công tác hội nhập của Thành phố và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các hội thảo, tập huấn đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học, cán bộ quản lý nhà nước và được các phương tiện truyền thông đại chúng tập trung phản ánh.

2. Về đẩy mạnh chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, doanh nghiệp và sản phẩm

2.1- Về triển khai chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Ủy ban nhân dân thành phố đã chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trong các lĩnh vực như hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hiện đại, mở rộng nhà xưởng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp; thực hiện quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là bốn ngành công nghiệp trọng yếu; thực hiện chính sách, chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, thương mại điện tử, phát triển hệ thống phân phối… nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng và đẩy mạnh quá trình giao thương; chương trình bình ổn thị trường ngày càng phát huy hiệu quả, số lượng doanh nghiệp và khối lượng hàng hóa tham gia chương trình ngày càng nhiều nhưng số vốn vay không lãi ngày càng giảm…

Nội bộ các ngành kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng là động lực chủ yếu để phát triển các ngành, lĩnh vực trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, ít gây ô nhiễm môi trường, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái.

2.2- Về nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm là vấn đề cốt lõi để hội nhập kinh tế thành công. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND và 38/2013/QĐ-UBND về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước thực hiện đầu tư trong lĩnh vực, ngành nghề công - nông nghiệp trọng yếu mà thành phố đang ưu tiên khuyến khích, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường. Từ năm 2007, Thành phố đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn của các tổ chức tín dụng, phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất phục vụ 05, lĩnh vực ưu tiên... Từ năm 2013, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Thành phố còn triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, bình ổn để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh và giúp các ngân hàng khơi thông nguồn vốn. Một số hoạt động hỗ trợ khác của thành phố nhằm nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật của sản phẩm, hỗ trợ nghiên cứu - triển khai (R&D), tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh lớn trên thương trường.

Bên cạnh đó, Thành phố chủ động xây dựng các chương trình hỗ trợ, thiết thực cho doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu tình hình mới như hỗ trợ thông tin, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tư vấn pháp lý, tư vấn sở hữu trí tuệ… Tiêu biểu là chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu và chương trình hợp chuẩn của Sở Khoa học công nghệ phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) thực hiện; các lớp tập huấn về các công cụ phân tích thị trường nhằm khai thác dữ liệu thương mại toàn cầu, phục vụ công tác xuất nhập khẩu hay các lớp tập huấn sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá giúp các doanh nghiệp xác định sớm các nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu do Trung tâm WTO thành phố phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) thực hiện.

Tuy nhiên, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa trong việc nâng cao năng lực của các Hiệp hội doanh nghiệp/ngành nghề và tổ chức tư vấn, chuyển dần các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp từ chính quyền qua các đơn vị này nhằm nâng cao hiệu quả đối với doanh nghiệp và phù hợp với các quy định của WTO mà Việt Nam cam kết.

3. Về tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế

3.1- Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch

Trong những năm qua, Thành phố đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ và ở nước ngoài; đón tiếp và cung cấp thông tin cho các đoàn khách đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với mục đích tìm hiểu về môi trường, cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, thủ tục đầu tư kinh doanh, v.v.

Các hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư được tổ chức theo chuyên đề, ngành và thị trường xuất khẩu, tiềm năng thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều doanh nghiệp; qua đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất - kinh doanh. Cổng thông tin điện tử Thương mại và Đầu tư (MIS) thường xuyên cập nhật thông tin dành cho khách mua hàng, nhà đầu tư nước ngoài và cổng dành cho nhà xuất khẩu; cập nhật các báo cáo về thị trường, tin tức về hoạt động xúc tiến của Thành phố và các văn bản pháp luật mới ban hành.1 Bên cạnh đó, Hệ thống “Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền thành phố” tiếp tục được vận hành nhằm thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến doanh nghiệp và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và trong khuôn khổ hoạt động của Hệ thống, các buổi đối thoại trực tiếp đã được tổ chức ở cấp Thành phố và trên từng địa bàn quận, huyện.2

Hàng năm, Thành phố tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy tạo lập mối liên kết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Các phiên chợ, hội chợ hàng Việt được các đơn vị như Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, các đơn vị có chức năng v.v. tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện quảng bá hàng Việt Nam và phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, quận - huyện vùng ven, khu chế xuất, khu công nghiệp. Các hoạt động kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ không dừng lại trên địa bàn Thành phố. Thông qua Chương trình Hợp tác thương mại với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ; Thành phố và các tỉnh, thành bạn thu được kết quả thiết thực trong xúc tiến hình thành các liên kết tạo nguồn hàng, phát triển hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước. Về các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, bên cạnh việc tổ chức các hội thảo và đoàn khảo sát đến các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tiềm năng, Thành phố đã tổ chức các sự kiện, hội chợ triển lãm tại các thị trường gần như Lào, Campuchia và Myanmar nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam và kết nối doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Thành phố nói riêng với doanh nghiệp nước sở tại để thiết lập mối quan hệ hợp tác sản xuất - kinh doanh lâu dài. Các hoạt động xúc tiến đã góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu của Thành phố phát triển theo hướng đa dạng hoá.3 Phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ đã góp phần nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng lẫn chủng loại, chất lượng hàng hóa và dịch vụ tiện ích.4

Về du lịch: thành phố xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế thành phố và cả nước. Vì vậy, nhiều năm qua Thành phố đã triển khai xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch thành phố; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi đầu tư phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới với chất lượng đạt chuẩn; gắn du lịch với thương mại, hội nghị, khám chữa bệnh; tạo sản phẩm du lịch lợi thế cạnh tranh; phát triển du lịch đường thủy; khai thác hiệu quả mô hình du lịch sinh thái vườn ở các quận vùng ven; tổ chức tốt các chương trình sự kiện lễ hội văn hóa nhằm kích cầu du lịch nội địa; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh. Quy hoạch, phát triển các trung tâm mua sắm, trung tâm văn hóa và biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách và người dân thành phố; đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường khuyến khích vận động các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch; liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước xây dựng và phát triển chương trình du lịch đạt chuẩn quốc tế, đến nay Thành phố đã ký hợp hợp tác phát triển du lịch đa phương và song phương với 30 tỉnh thành trong cả nước.

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch và hợp tác quốc tế của thành phố được chú trọng, Thành phố tổ chức thành công chuỗi các sự kiện du lịch mang tính định kỳ như: Lễ đón khách đầu năm mới, Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ, Ngày hội Du lịch, Lễ hội Trái cây Nam bộ, Liên hoan ẩm thực Món ngon các nước…, đặc biệt là sự kiện Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE HCMC), đây là Hội chợ du lịch chuyên nghiệp, đầu tiên và duy nhất của Việt Nam do ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức, bắt đầu từ năm 2005 và được chính thức công nhận là sự kiện du lịch quốc gia từ năm 2009. Từ năm 2005, với sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 nước láng giềng Campuchia-Lào, Hội chợ quốc tế du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một thương hiệu không chỉ của Việt Nam mà còn là của 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam. Đến năm 2013, Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một thương hiệu của 05 quốc gia: Campuchia-Lào-Myanmar-Thái Lan- Việt Nam. Mục đích của Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là tăng cường hợp tác phát triển du lịch của 05 quốc gia nhằm khai thác tiềm năng, phát triển các thế mạnh sản phẩm du lịch của mỗi nước cũng như quảng bá giới thiệu điểm đến Việt Nam với các thị trường quốc tế trọng điểm, mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch trong khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tiếp cận, trao đổi, hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài đến từ các thị trường khách trọng điểm và tiềm năng của khu vực. Với những nỗ lực trên, thành phố tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, đóng góp tích cực cho sự phát tiển du lịch thành phố và cả nước.

3.2- Về phát triển thành phần kinh tế và nâng cao hiệu quả đầu tư

Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và các biện pháp hỗ trợ kinh tế tập thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, trong đó thành phần kinh tế ngoài nhà nước và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh và đóng góp ngày càng cao về tăng trưởng kinh tế của thành phố. Về thu hút vốn FDI, trên địa bàn Thành phố có 4.795 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 32,61 tỷ đô-la Mỹ, đứng đầu cả nước về tổng vốn đầu tư, thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của thành phố.

Doanh nghiệp trong nước tích cực hơn trong việc nâng cao năng lực, mở rộng mạng lưới phân phối, củng cố mối quan hệ với các nhà sản xuất - cung cấp; đồng thời, sự xuất hiện của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài vừa tạo áp lực vừa góp phần thúc đẩy thị trường nội địa phát triển đa dạng và tiếp cận được trình độ hiện đại của thế giới. Mặt khác, Thành phố cũng quan tâm kiểm soát theo quy định pháp luật đối với việc mở rộng mạng lưới của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài thông qua công cụ Kiểm tra Nhu cầu Kinh tế (ENT), đảm bảo theo đúng quy hoạch phân phối của Thành phố và không ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ