Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Báo cáo 108/BC-TCQLTT năm 2020 về giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế đối với dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo của lực lượng quản lý thị trường do Tổng cục Quản lý thị trường ban hành

Số hiệu 108/BC-TCQLTT
Ngày ban hành 30/12/2020
Ngày có hiệu lực 30/12/2020
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Tổng cục Quản lý thị trường
Người ký Trần Hữu Linh
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG
TỔNG CỤC QUẢN LÝ
THỊ TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/BC-TCQLTT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA VỤ PHÁP CHẾ ĐỐI VỚI DỰ THẢO THÔNG TƯ CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Ngày 25 tháng 12 năm 2020, Vụ Pháp chế có Báo cáo số 2205/PC-TH thẩm định đối với Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Dự thảo Thông tư).

Báo cáo thẩm định của Vụ Pháp chế đối với Dự thảo Thông tư nhất trí với sự cần thiết ban hành văn bản nhằm bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện công tác báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường. Nội dung Dự thảo Thông tư phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, không trái với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo Thông tư đảm bảo tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và đủ điều kiện bảo đảm để thực hiện.

Trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản đã đảm bảo theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về một số ý kiến góp ý của Vụ Pháp chế đối với nội dung của Dự thảo Thông tư tại Báo cáo thẩm định số 2205/PC-TH, Tổng cục Quản lý thị trường, cơ quan chủ trì soạn thảo, xin được tiếp thu, giải trình cụ thể như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Vụ Pháp chế đề nghị rà soát lại về phạm vi điều chỉnh của Thông tư quy định về chế độ báo cáo trong nội bộ của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) hay bao gồm cả việc báo cáo giữa lực lượng QLTT với các cơ quan khác (do việc thực hiện các chế độ báo cáo do các cơ quan khác ban hành đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan ban hành chế độ báo cáo đó quy định).

Tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường đã thực hiện rà soát và chỉnh sửa tại dự thảo như sau:

“Thông tư này quy định về chế độ báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường và việc thực hiện chế độ báo cáo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường.”

2. Về các loại báo cáo (Điều 4)

Vụ Pháp chế đề nghị lược bớt các nội dung yêu cầu báo cáo tại Phụ lục I đối với chế độ báo cáo tuần để giảm bớt gánh nặng báo cáo cho lực lượng. Bên cạnh đó, cần có sự phân biệt giữa yêu cầu thực hiện các nội dung báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục I và yêu cầu cập nhật số liệu, bảng biểu trong hệ thống báo cáo điện tử hằng tuần do việc cập nhật số liệu trên hệ thống báo cáo điện tử thao tác nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, thay vì phải thực hiện nhiều thủ tục để báo cáo bằng văn bản.

Tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉnh lý nội dung chính của Phụ lục I gồm:

“1. Các hoạt động đã thực hiện trong tuần của đơn vị (Nêu các hoạt động nổi bật về chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan liên quan)

2. Kết quả hoạt động kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

- Số liệu tổng hợp: số vụ kiểm tra; số vụ xử lý; số tiền thu phạt; trị giá hàng hóa vi phạm (đối với tài sản có căn cứ xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là đơn vị tính khác thì thực hiện tổng hợp số liệu theo đơn vị tính đó).

- Số liệu báo cáo chi tiết thực hiện qua Hệ thống báo cáo điện tử.”

3. Về nội dung báo cáo (Điều 5)

Vụ Pháp chế có ý kiến:

- Hiện dự thảo đang quy định nội dung báo cáo chuyên đề nhưng lại mang tính chất của báo cáo đột xuất, cần có sự chỉnh lý lại cho phù hợp.

- Tại khoản 3, đề nghị quy định theo hướng: Đối với các nội dung báo cáo là các số liệu, bảng biểu, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT ban hành mẫu bảng biểu, yêu cầu về số liệu, thông tin căn cứ nhu cầu, tình hình thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉnh lý tại Dự thảo Thông tư:

- Khoản 2 Điều 3: “Báo cáo chuyên đề của lực lượng Quản lý thị trường là báo cáo được cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường thực hiện để đáp ứng yêu cầu thông tin trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên sâu về một vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường và phải thực hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định”

- Khoản 3 Điều 5: “Nội dung báo cáo chuyên đề do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quyết định theo từng báo cáo chuyên đề cụ thể.”

- Khoản 3 Điều 5: “Đối với nội dung báo cáo là số liệu, bảng biểu và các nội dung yêu cầu báo cáo khác không thuộc khoản 1, 2 và 3 Điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường ban hành mẫu bảng biểu, yêu cầu về số liệu, nội dung yêu cầu báo cáo trên Hệ thống báo cáo điện tử căn cứ nhu cầu, tình hình thực tiễn.”

4. Về cơ quan, đơn vị gửi, nhận báo cáo và phương thức gửi nhận báo cáo (Điều 6)

Vụ Pháp chế có ý kiến:

- Tại điểm a khoản 1, đề nghị làm rõ quy định về việc Tổng cục QLTT gửi báo cáo bằng văn bản điện tử theo mẫu quy định thông qua hệ thống báo cáo điện tử của QLTT tới Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan.

[...]