HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
98/2006/NQ-HĐND
|
Tuyên
Quang, ngày 08 tháng 12 năm 2006
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng
11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số
134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát
triển công nghiệp nông thôn; Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm
2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác
xã; Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát
triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 910
QĐ/BNN-CB ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành nghề nông thôn trong công
nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đến 2010;
Xét Tờ trình số 45/TTr-UBND ngày
17 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh "về việc ban hành Quy
định chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên
địa bàn tỉnh Tuyên Quang"; Báo cáo thẩm tra số 62/BC - KTNS16 ngày 02
tháng 12 năm 2006 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến
đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua chính
sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh
Tuyên Quang (có nội dung cụ thể kèm theo).
Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân
dân tỉnh ban hành quy định chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ
công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và tổ chức thực hiện.
Điều 3. Giao cho Thường trực
Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị
quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân
tỉnh khoá XVI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2006./.
|
CHỦ
TỊCH
Nguyễn Sáng Vang
|
NỘI DUNG CỤ THỂ
CHÍNH
SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH TUYÊN QUANG
(Kèm theo Nghị quyết số 98/2006/NQ-HĐND ngày 08/12/2006 của HĐND tỉnh khoá
XVI, kỳ họp thứ 7)
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG
ÁP DỤNG
Các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu
tư phát triển sản xuất, dịch vụ ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh (gọi
tắt là cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn) bao gồm:
-
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
- Hợp tác xã được thành lập hoạt
động theo Luật Hợp tác xã;
- Hộ kinh doanh cá thể đăng ký theo
quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh;
- Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành
phần kinh tế hoạt động dịch vụ khuyến công;
- Các làng nghề, cơ sở ngành nghề
nông thôn.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG NGÀNH NGHỀ
ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất
tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề trên địa bàn tỉnh được hưởng chính
sách thuộc các ngành nghề sau:
- Công nghiệp chế biến, bảo quản
nông - lâm - thủy sản;
- Sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên
liệu tại chỗ, sử dụng từ 20 lao động trở lên;
- Sản xuất sản phẩm mới, hàng thay
thế hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước;
-
Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp;
- Thủy điện nhỏ, điện sử dụng năng
lượng mới hoặc năng lượng tái tạo có công suất lắp đặt dưới 10.000 KW để cung
cấp điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
- Sản xuất, gia công chi tiết, bán
thành phẩm và dịch vụ cho các cơ sở sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh;
- Đầu tư vốn xây dựng kết cấu hạ
tầng cho cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
2. Những nội dung không nêu trong
chính sách được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước về khuyến
khích phát triển công nghiệp nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp
nhỏ và vừa; hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã; khuyến khích đầu tư
trong nước và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; khuyến khích đầu tư trên địa bàn
tỉnh.
III. CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH
PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
1. Hỗ trợ kinh phí từ Quỹ khuyến
công
Cơ sở sản xuất tiểu thủ công
nghiệp, xây dựng làng nghề thuộc các danh mục ngành, nghề nêu tại mục II được
xem xét, hỗ trợ từ Quỹ khuyến công của tỉnh như sau:
1.1. Hỗ trợ kinh phí tập huấn cho
tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, mức hỗ trợ
tối đa không quá 30% quy định tại Quyết định số 11/2005/QĐ-XD ngày 15 tháng 4
năm 2005 của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc ban hành định mức lập dự án và thiết
kế xây dựng công trình.
1.2. Hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng
và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hoá, mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu
đồng/dự án.
1.3. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề,
truyền nghề và phát triển nghề mới; mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng, không quá 1.500.000
đồng/người/khoá học nghề.
1.4. Đối với những dự án khả thi
thực hiện phát triển tiểu thủ công nghiệp, sau khi đã hoàn thành việc đầu tư
xây dựng và đưa vào sản xuất, được hỗ trợ 20% kinh phí đầu tư cho dự án, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/dự án.
2. Ưu đãi về đất
Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông
thôn thuộc danh mục ngành, nghề nêu tại mục II có nhu cầu sử dụng đất để di dời
các cơ sở sản xuất cũ, chật hẹp, ô nhiễm môi trường hoặc để xây dựng cơ sở sản
xuất mới được ưu tiên cho thuê đất với mức giá thấp nhất theo quy định của Uỷ
ban nhân dân tỉnh.
3. Hỗ trợ kết cấu hạ tầng
Tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng gồm: đường giao thông, xử lý môi trường, hệ thống cấp điện, cấp, thoát
nước, thông tin liên lạc đến hàng rào của khu, cụm công nghiệp. Đối với các
điểm tiểu, thủ công nghiệp do huyện, thị xã thành lập thì Uỷ ban nhân dân
huyện, thị xã có trách nhiệm làm việc với các đơn vị cung ứng điện, nước hỗ trợ
đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đến hàng rào các điểm tiểu, thủ công nghiệp.
IV. Chính sách
khuyến khích phát triển làng nghề
1. Điều kiện được
hưởng chính sách
Các làng, thôn, khu dân cư có tổ chức sản xuất các ngành nghề phi nông
nghiệp, đã tồn tại trong một thời gian nhất định trên địa bàn tỉnh nếu được cấp
có thẩm quyền công nhận đạt các tiêu chí theo quy định thì được công nhận là
làng nghề và được hưởng các ưu đãi của chính sách khuyến khích phát triển làng
nghề.
2. Quyền lợi của
làng nghề
2.1. Các hộ gia đình,
cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp thuộc làng nghề được ưu tiên hưởng các
chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh tại chính sách
này và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.
2.2. Cơ sở sản xuất
và cá nhân của làng nghề có công trong việc cấy nghề, phát triển nghề truyền
thống cho làng nghề, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài cho làng nghề
được tỉnh tôn vinh, khen thưởng.
2.3. Đơn vị được công
nhận là làng nghề, được Quỹ khuyến công tỉnh hỗ trợ một lần 20 triệu đồng để
phục vụ các chương trình phát triển ngành nghề của làng, xã và để tôn vinh các
tổ chức, cá nhân có công đóng góp xây dựng phát triển làng nghề.
Làng nghề được tỉnh
ưu tiên xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng: đường điện, đường
nước, đường giao thông... Mức hỗ trợ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét,
quyết định đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với quy mô đầu tư của dự án
xây dựng kết cấu hạ tầng.
3. Các đơn vị, cá nhân được hỗ trợ từ Quỹ khuyến công quy định tại mục
III, IV nêu ở trên nhưng sử dụng không đúng mục đích hoặc quá thời hạn quy định
mà không triển khai thực hiện dự án, thì phải hoàn trả kinh phí đã được hỗ trợ
cho cơ quan quản lý Quỹ; nếu để xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy
định của pháp luật./.