Xây nhà ở vi phạm quy hoạch thì xử lý ra sao? Mức phạt khi xây nhà ở vi phạm quy hoạch được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Xây nhà ở vi phạm quy hoạch thì xử lý ra sao?
Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 136 Luật Nhà ở 2023 thì nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt thì buộc phải phá dỡ.
Đồng thời, tại điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP cũng quy định rõ buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng (ở đây là nhà ở) vi phạm không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Như vậy, theo quy định trên nhà ở xây dựng trên đất không phải là đất ở phải được phá dỡ do thuộc một trong các trường hợp phải phá dỡ nhà ở, cụ thể là phá dỡ nhà ở xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Xây nhà ở trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch thì xử lý ra sao? (Hình ảnh từ Internet)
Mức phạt khi cá nhân xây nhà ở riêng lẻ vi phạm quy hoạch được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 9 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP xây dựng nhà ở riêng lẻ không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt thì xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
Bên cạnh đó nếu xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 13 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP sẽ bị phạt như sau:
Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng; từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nếu xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
Khi bị phát hiện và lập biên bản sẽ phải dừng thi công, nếu tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm trước thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng bị xử phạt tiền theo quy định tại khoản 12 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng; từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng nếu xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
Đồng thời, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm (điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với tổ chức. Cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền chỉ bằng ½ so với mức trên. (điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)
Trách nhiệm phá dỡ nhà ở khi xây nhà ở vi phạm quy hoạch được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 137 Luật Nhà ở 2023 về trách nhiệm phá dỡ nhà ở như sau:
- Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang quản lý, sử dụng nhà ở có trách nhiệm phá dỡ nhà ở;
Trường hợp phải giải tỏa nhà ở để xây dựng lại nhà ở mới hoặc công trình khác thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình có trách nhiệm phá dỡ nhà ở.
- Chủ sở hữu nhà ở tự thực hiện việc phá dỡ nhà ở nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực về xây dựng phá dỡ.
- Trường hợp phá dỡ nhà chung cư thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật Nhà ở 2023.
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc phá dỡ nhà ở trên địa bàn.