Vùng trời phục vụ cho hoạt động bay được phân chia và được quản lý như thế nào?

Vùng trời phục vụ cho hoạt động bay được phân chia và được các cơ quan có thẩm quyền quản lý như thế nào?

Nội dung chính

    Vùng trời phục vụ cho hoạt động bay được phân chia và được quản lý như thế nào?

    Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư 35/2017/TT-BQP quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành thì:

    Phân chia khu vực, trách nhiệm quản lý.

    - Đối với việc quản lý các hoạt động bay có độ cao bay dưới 50 mét giao Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trực tiếp quản lý, giám sát, dự báo, thông báo bay và hiệp đồng;

    - Đối với việc quản lý các hoạt động bay có độ cao bay từ 50 mét đến dưới 200 mét giao Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh trực tiếp quản lý, giám sát, dự báo, thông báo bay và hiệp đồng;

    - Đối với việc quản lý các hoạt động bay có độ cao bay từ 200 mét đến dưới 500 mét giao cơ quan Phòng không của Quân khu trực tiếp quản lý, giám sát dự báo, thông báo bay và hiệp đồng;

    - Đối với việc quản lý các hoạt động bay có độ cao bay trên 500 mét giao các Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực thuộc các Sư đoàn Không quân - Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp quản lý, giám sát, dự báo, thông báo bay và hiệp đồng;

    - Đối với vùng trời khu vực lân cận sân bay có hoạt động bay quân sự, hàng không dân dụng giao đơn vị Không quân chủ quản sân bay trực tiếp quản lý, giám sát và hiệp đồng;

    Trường hợp sân bay chỉ có hoạt động bay của Hàng không dân dụng, không có đơn vị cấp Tiểu đoàn trở lên thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân đóng quân canh phòng, thì việc quản lý các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ giao Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (theo độ cao hoạt động quy định tại Điểm a, b, Khoản 2 Điều này) quản lý, giám sát, dự báo, thông báo bay trên cơ sở thống nhất hiệp đồng với cơ quan quản lý không lưu Hàng không dân dụng của sân bay trên địa bàn;

    - Đối với vùng trời khu vực trường bắn có độ cao bay dưới 500 mét giao đơn vị quản lý trường bắn trực tiếp quản lý, hiệp đồng, giám sát, dự báo, thông báo bay trên cơ sở thống nhất hiệp đồng với các đơn vị, cơ quan liên quan đến quản lý vùng trời, quản lý bay trong khu vực;

    - Đối với vùng trời khu vực biên giới có độ cao dưới 500 mét, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh trực tiếp quản lý, hiệp đồng, giám sát, dự báo, thông báo bay trên cơ sở thống nhất hiệp đồng với các đơn vị, cơ quan liên quan đến quản lý vùng trời, quản lý bay trong khu vực;

    - Đối với vùng trời khu vực quy định tại Khoản 5 Điều 11 Thông tư này, có độ cao dưới 500 mét, giao đơn vị quân đội cấp Trung đoàn hoặc tương đương trở lên trực tiếp bảo vệ khu vực đó, quản lý, hiệp đồng, giám sát, dự báo, thông báo bay;

    - Đối với vùng trời trên biển, trên các đảo, quần đảo, nhà giàn thuộc chủ quyền của Việt Nam có độ cao dưới 500 mét, không nằm trong khu vực lân cận sân bay có hoạt động bay quân sự, hàng không dân dụng, giao đơn vị trực tiếp bảo vệ khu vực biển, đảo, nhà giàn đó, quản lý, hiệp đồng, giám sát, dự báo, thông báo bay;

    Trường hợp khu vực đảo có nhiều đơn vị quân đội đóng quân, thì việc quản lý, hiệp đồng, giám sát, dự báo, thông báo bay giao đơn vị là chỉ huy trưởng khu vực đóng quân, canh phòng trong khu vực đảo, trên cơ sở thống nhất hiệp đồng với các đơn vị, cơ quan liên quan đến quản lý vùng trời, quản lý bay trong khu vực.

    Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về Phân chia khu vực, trách nhiệm quản lý vùng trời phục vụ cho hoạt động bay. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 35/2017/TT-BQP để nắm rõ quy định này.

     

    10