Văn phòng giám định tư pháp có được tiếp nhận yêu cầu giám định đối với cổ vật không?

Văn phòng giám định tư pháp có được tiếp nhận yêu cầu giám định đối với cổ vật không? Cá nhân không khai báo khi phát hiện cổ vật bị phạt tiền như thế nào? Chuẩn bị thực hiện giám định đối với cổ vật như thế nào?

Nội dung chính

    Văn phòng giám định tư pháp có được tiếp nhận yêu cầu giám định đối với cổ vật không? 

    Tại Điều 3 Thông tư 03/2019/TT-BVHTTDL quy định như sau: 

    Giải thích từ ngữ

    1. Di vật, cổ vật là hiện vật được xác định theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

    2. Người giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực văn hóa thuộc chuyên ngành phù hợp đã được bổ nhiệm, công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

    3. Tổ chức giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật bao gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có hoạt động chuyên môn phù hợp đã được công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

    Theo đó, chỉ văn phòng giám định tư pháp có hoạt động chuyên môn phù hợp và đã được công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp đối với cổ vật mới được phép tiếp nhận yêu cầu giám định đối với cổ vật của bạn tìm được.

    Văn phòng giám định tư pháp có được tiếp nhận yêu cầu giám định đối với cổ vật không? (Hình ảnh từ internet)

    Cá nhân không khai báo khi phát hiện cổ vật bị phạt tiền như thế nào?

    Theo Điều 25 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về thông báo, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phát hiện, theo đó: 

    Vi phạm quy định về thông báo, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phát hiện

    1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo, không giao nộp di vật, cổ vật được phát hiện.

    2. Hình thức xử phạt bổ sung:

    Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

    Tại Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức:

    Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

    1. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

    2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, điểm c khoản 4, điểm a khoản 5 và khoản 6 Điều 6; các điểm c, đ, e và g khoản 4 Điều 8; các khoản 1, 2 và 3 Điều 9; Điều 10; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

    3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    4. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Chương IV Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vây, mức phạt tiền khi cá nhân không khai báo khi phát hiện cổ vật là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và còn bị tịch thu tang vật vi phạm.

    Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

    Chuẩn bị thực hiện giám định đối với cổ vật như thế nào?

    Căn cứ Điều 5 Thông tư 03/2019/TT-BVHTTDL quy định chuẩn bị thực hiện giám định, như sau:

    Hình thức báo cáo thống kê

    1. Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật về di sản văn hóa để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp. Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đối tượng giám định tư pháp thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan.

    2. Trường hợp cần thiết, người giám định tư pháp tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác trước khi đưa ra đánh giá.

    3. Tổ chức giám định tư pháp quyết định thực hiện giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật bằng hình thức giám định tập thể. Số lượng người giám định tư pháp phải từ 03 người trở lên.

    Quyết định thực hiện giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

    4. Tổ chức giám định tư pháp căn cứ vào hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định để lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp, phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định tư pháp.

    Với quy định này thì việc thực hiện giám định cổ vật sẽ được chuẩn bị như trên.

    7