Từ ngày 15/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa đổi các biểu mẫu sử dụng trong hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình ra sao?

Bộ TTTT sửa đổi biểu mẫu sử dụng trong dịch vụ phát thanh, truyền hình từ 15/8/2023? Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải gửi báo cáo định kỳ hàng tháng chậm nhất ngày nào?

Nội dung chính

    Từ ngày 15/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa đổi các biểu mẫu sử dụng trong hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình ra sao?

    Ngày 30/6/2023, Bộ Thông tin và truyền thông có ban hành Thông tư 05/2023/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-BTTTT quy định các biểu mẫu Tờ khai đăng ký, Đơn đề nghị cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận, Giấy phép và Báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH.

    Theo đó, Thông tư 05/2023/TT-BTTTT có quy định 08 biểu mẫu sửa đổi và bổ sung 03 biểu mẫu về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Cụ thể như sau:

    08 biểu mẫu về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được sửa đổi, bao gồm:

    - Mẫu số 01/DVTHTT: Đơn đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền;

    Mẫu số 02/DVTHTT: Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền

    - Mẫu số 05/DVTHTT: Tờ khai đăng ký, đăng ký sửa đổi, bổ sung danh Mục kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền

    - Mẫu số 06/DVTHTT: Giấy chứng nhận đăng ký danh Mục kênh trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền

    - Mẫu số 07/DVTHTT: Tờ khai đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh

    - Mẫu số 13/SXCT: Giấy phép sản xuất kênh chương trình phát thanh, truyền hình trong nước

    - Mẫu số 15/BTCT: Giấy phép sản xuất kênh chương trình phát thanh, truyền hình trong nước

    - Mẫu số 16A/SXCT: Báo cáo hoạt động sản xuất, biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu

    Bổ sung 03 biểu mẫu về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được sửa đổi, bao gồm:

    - Mẫu số 09A/DVTHTT: Báo cáo định kỳ hoạt động cung cấp nội dung - trên dịch vụ phát thanh, truyền hình

    - Mẫu số 10A/DVTHTT: Báo cáo nhanh theo tháng hoạt động cung cấp nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền

    - Mẫu số 10B/DVTHTT: Lập hồ sơ theo dõi nội dung trên dịch vụ theo yêu cầu, dịch vụ giá trị gia tăng và quảng cáo.

     Bộ TTTT sửa đổi biểu mẫu sử dụng trong hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình từ 15/8/2023? (Hình ảnh từ Internet)

    Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải gửi báo cáo định kỳ hàng tháng chậm nhất là ngày nào?

    Tại khoản 4b Điều 4 Thông tư 19/2016/TT-BTTTT được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 05/2023/TT-BTTTT có quy định về thời hạn gửi báo cáo định kỳ hoạt động cung cấp nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình được quy định như sau:

    Chế độ báo cáo

    ...

    4a. Định kỳ 6 tháng, các doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền có trách nhiệm báo cáo hoạt động cung cấp nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử theo mẫu số 09A/DVTHTT quy định tại Điều 2 của Thông tư này. Thời hạn gửi báo cáo sáu tháng đầu năm, chậm nhất là ngày 06 tháng 6 của năm báo cáo và báo cáo hàng năm, chậm nhất là ngày 25 tháng 11 của năm báo cáo.

    4b. Định kỳ hàng tháng, các doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền có trách nhiệm báo cáo nhanh hoạt động cung cấp nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử theo mẫu số 10A/DVTHTT quy định tại Điều 2 của Thông tư này. Thời hạn gửi báo cáo nhanh, chậm nhất là ngày 15 của tháng báo cáo.

    4c. Định kỳ 6 tháng, các cơ quan báo chí được cấp Giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước có hoạt động sản xuất, biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu có trách nhiệm báo cáo về hoạt động sản xuất, biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử theo mẫu số 16A/SXCT quy định tại Điều 2 của Thông tư này. Thời hạn gửi báo cáo sáu tháng đầu năm, chậm nhất là ngày 06 tháng 6 của năm báo cáo và báo cáo hàng năm, chậm nhất là ngày 25 tháng 11 của năm báo cáo.

    4d. Báo cáo nghiệp vụ của các cơ quan, doanh nghiệp gửi bằng một trong các phương thức sau về Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử: trực tiếp, qua đường bưu chính, trực tuyến trên hệ thống báo cáo tại trang thông tin điện tử của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

    Như vậy, doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải gửi báo cáo nhanh hoạt động cung cấp nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử với thời hạn chậm nhất là ngày 15 của tháng báo cáo.

    Lưu ý: Báo cáo nghiệp vụ của các cơ quan, doanh nghiệp gửi bằng một trong các phương thức: trực tiếp, qua đường bưu chính, trực tuyến trên hệ thống báo cáo tại trang thông tin điện tử của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

    Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền có thời hạn bao nhiêu năm?

    Tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 06/2016/NĐ-CP có quy định thời hạn Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền như sau:

    Cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền

    ...

    4. Thời hạn Giấy phép

    a) Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền có thời hạn hiệu lực tối đa trong 10 (mười) năm kể từ ngày cấp nhưng không vượt quá thời hạn hiệu lực ghi trong Giấy phép thiết lập mạng viễn thông hoặc văn bản thỏa thuận được thuê, sử dụng hạ tầng mạng viễn thông đối với dịch vụ quy định tại các Điểm a, b, c, d, Khoản 1 Điều 4 Nghị định này; xác nhận đăng ký tên miền “.vn” hoặc địa chỉ Internet xác định đối với dịch vụ quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 4 Nghị định này;

    b) Sau thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày Giấy phép có hiệu lực, nếu doanh nghiệp được cấp Giấy phép không thực hiện việc cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền thì Giấy phép không còn giá trị. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi Giấy phép;

    Nếu muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp phải thực hiện hồ sơ, thủ tục cấp lại Giấy phép như hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu quy định tại các Khoản 2, 3 Điều này.

    Như vậy, Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền có thời hạn tối đa trong 10 năm kể từ ngày cấp.

    Tuy nhiên không vượt quá thời hạn hiệu lực ghi trong Giấy phép thiết lập mạng viễn thông hoặc văn bản thỏa thuận được thuê, sử dụng hạ tầng mạng viễn thông đối với dịch vụ truyền hình mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình di động; xác nhận đăng ký tên miền “.vn” hoặc địa chỉ Internet xác định đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet.

    Lưu ý: Thông tư 05/2023/TT-BTTTT có hiệu lực từ 15/8/2023.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    22
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ