Từ ngày 10/01/2025 phải đăng ký thường trú cho trẻ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng ký khai sinh?
Nội dung chính
Từ ngày 10/01/2025 phải đăng ký thường trú cho trẻ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng ký khai sinh?
Ngày 26/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2024/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Trong đó, khoản 2 Điều 7 Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định:
Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên
...
2. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên. Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang thực tế sinh sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của cha, mẹ.
...
Căn cứ quy định trên, cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cho người chưa thành niên trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Từ ngày 10/01/2025 phải đăng ký thường trú cho trẻ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng ký khai sinh? (Hình từ Internet)
Không đăng ký thường trú có thể bị phạt bao nhiêu tiền?
Khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
...
Như vậy, hành vi không đăng ký thường trú có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Lưu ý:
Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Căn cứ quy định này, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được áp dụng gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Tức là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú là gì?
Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định:
Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật
2. Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký cư trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.
4. Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.
5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cư trú và quản lý cư trú được thực hiện theo các nguyên tắc trên.
Nghị định 154/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2025.