Từ 01/7/2024, tổ chức, cá nhân trung gian thương mại có phải bồi thường nếu sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng không?

Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng từ 01/7/2024?

Nội dung chính

    Từ 01/7/2024, tổ chức, cá nhân trung gian thương mại có phải bồi thường nếu sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng không?

    Tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có quy định về việc tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại bồi thường thiệt hại do sản phẩm hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:

    Bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra

    1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 35 của Luật này.

    2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

    a) Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa;

    b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

    c) Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

    d) Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa;

    đ) Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng;

    e) Tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

    3. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    4. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều này cùng gây thiệt hại thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh đó phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

    5. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, từ ngày 01/7/2024 thì sẽ có thêm 02 đối tượng phải bồi thường thiệt hại do cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng đó là:

    - Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa;

    - Tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Bên cạnh đó sẽ giữ nguyên 04 đối tượng:

    - Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa;

    - Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

    - Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

    - Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng.

    Từ 01/7/2024, tổ chức, cá nhân trung gian thương mại có phải bồi thường nếu sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng không? (Hình ảnh từ Internet)

    Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm gì trong việc tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng?

    Tại Điều 31 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có quy định trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng như sau:

    - Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

    - Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho người tiêu dùng về việc tiếp nhận phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phản ánh, yêu cầu, khiếu nại đó.

    - Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa hoặc trực tiếp bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng có trách nhiệm xây dựng, công khai quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có).

    Lưu ý: Quy định này không bắt buộc áp dụng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh, tất cả doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật.

    Khi nào tổ chức, cá nhân kinh doanh được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra?

    Tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có quy định về bồi thường thiệt hại do sản phẩm hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:

    - Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại;

    - Tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại;

    - Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    11