Trong kế toán Doanh nghiệp, tài khoản cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Trong kế toán Doanh nghiệp, tài khoản cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược được quy định như thế nào?
Tài khoản 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược trong kế toán Doanh nghiệp hướng dẫn tại Điều 49 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, theo đó:
(1) Nguyên tắc kế toán
- Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền hoặc giá trị tài sản mà doanh nghiệp đem đi cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược tại các doanh nghiệp, tổ chức khác trong các quan hệ kinh tế theo quy định của pháp luật.
- Các khoản tiền, tài sản đem cầm cố, thế chấp ký quỹ, ký cược phải được theo dõi chặt chẽ và kịp thời thu hồi khi hết thời hạn cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược. Trường hợp các khoản ký quỹ, ký cược doanh nghiệp được quyền nhận lại nhưng quá hạn thu hồi thì doanh nghiệp được trích lập dự phòng như đối với các khoản nợ phải thu khó đòi.
- Doanh nghiệp phải theo dõi chi tiết các khoản cầm cố, thế chấp ký cược, ký quỹ theo từng loại, từng đối tượng, kỳ hạn, nguyên tệ. Khi lập Báo cáo tài chính, những khoản có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng được phân loại là tài sản ngắn hạn; Những khoản có kỳ hạn còn lại từ 12 tháng trở lên được phân loại là tài sản dài hạn.
- Đối với tài sản đưa đi cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược được phản ánh theo giá đã ghi sổ kế toán của doanh nghiệp. Khi xuất tài sản phi tiền tệ mang đi cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược ghi theo giá nào thì khi thu về ghi theo giá đó. Trường hợp có các khoản ký cược, ký quỹ bằng tiền hoặc tương đương tiền được quyền nhận lại bằng ngoại tệ thì phải đánh giá lại theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính (là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch). Các tài sản thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sở hữu (ví dụ như bất động sản) thì không ghi giảm tài sản mà theo dõi chi tiết trên sổ kế toán (chi tiết tài sản đang thế chấp) và thuyết minh trên Báo cáo tài chính.
(2) Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược
- Bên Nợ:
- Giá trị tài sản mang đi cầm cố, thế chấp hoặc số tiền đã ký quỹ, ký cược.
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư các khoản ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại bằng ngoại tệ tại thời điểm báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam).
Bên Có:
+ Giá trị tài sản cầm cố hoặc số tiền ký quỹ, ký cược đã nhận lại hoặc đã thanh toán;
+ Khoản khấu trừ (phạt) vào tiền ký quỹ, ký cược tính vào chi phí khác;
+ Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư các khoản ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại bằng ngoại tệ tại thời điểm báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam).
- Số dư bên Nợ: Giá trị tài sản còn đang cầm cố, thế chấp hoặc số tiền còn đang ký quỹ, ký cược.
(3) Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
- Dùng tiền mặt, hoặc tiền gửi ngân hàng để ký cược, ký quỹ, ghi:
+ Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược
+ Có các TK 111, 112.
- Trường hợp dùng tài sản cố định để cầm cố, ghi:
+ Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược (giá trị còn lại)
+ Nợ TK 214 - Hao mòn tài sản cố định (giá trị hao mòn)
+ Có các TK 211, 213 (nguyên giá).
Trường hợp thế chấp bằng giấy tờ (giấy chứng nhận sở hữu nhà đất, tài sản) thì không phản ánh trên tài khoản này mà chỉ theo dõi trên sổ chi tiết.
- Khi mang tài sản khác đi cầm cố, thế chấp, ghi:
+ Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược (chi tiết theo từng khoản)
+ Có các TK 152, 155, 156,...
- Khi nhận lại tài sản cầm cố hoặc tiền ký quỹ, ký cược:
+ Nhận lại số tiền ký quỹ, ký cược, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
+ Nhận lại tài sản cố định cầm cố, thế chấp, ghi:
Nợ các TK 211, 213 (nguyên giá khi đưa đi cầm cố)
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược (giá trị còn lại)
Có TK 214 - Hao mòn tài sản cố định (giá trị hao mòn).
+ Khi nhận lại tài sản khác mang đi cầm cố, thế chấp, ghi:
Nợ các TK 152, 155, 156,...
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược (chi tiết từng khoản).
- Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng những cam kết, bị phạt vi phạm hợp đồng trừ vào tiền ký quỹ, ký cược, ghi:
+ Nợ TK 811 - Chi phí khác (số tiền bị trừ)
+ Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
- Trường hợp sử dụng khoản ký cược, ký quỹ thanh toán cho người bán, ghi:
+ Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
+ Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
- Khi lập Báo cáo tài chính, nếu các khoản ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại có gốc ngoại tệ, kế toán phải đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính:
+ Nếu tỷ giá ngoại tệ tăng so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
+ Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược
+ Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
- Nếu tỷ giá ngoại tệ giảm so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
+ Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
+ Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
Trên đây là trả lời về tài khoản 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược trong kế toán Doanh nghiệp, được quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.