Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp thế nào trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện?
Nội dung chính
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp thế nào trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện?
Ngày 05/9/2017, Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường chính thức có hiệu lực. Nghị định này áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dạy kỹ năng, lớp dạy năng khiếu, lớp dạy văn hóa, lớp dành cho trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt không được đi học ở nhà trường (sau đây gọi chung là lớp độc lập) có người học dưới 18 tuổi; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Đối với vấn đề này, Điều 13 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện gồm:
- Chỉ đạo triển khai việc bảo đảm quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo phân cấp quản lý.
- Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của địa phương bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong cơ sở giáo dục, lớp độc lập; điều tra và xử lý vụ việc bạo lực học đường, gây mất an toàn cho cơ sở giáo dục, lớp độc lập theo phân cấp quản lý.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, lớp độc lập trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo phân cấp quản lý.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 80/2017/NĐ-CP để hiểu rõ nội dung này.