CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 80/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 7 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC AN TOÀN, LÀNH MẠNH, THÂN THIỆN, PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC
HỌC ĐƯỜNG
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật trẻ em
ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật giáo dục
ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật giáo dục
nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về môi trường
giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về môi trường giáo dục an
toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
2. Nghị định này áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm
non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề
nghiệp, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết
đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), lớp
xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dạy kỹ năng, lớp dạy năng khiếu, lớp
dạy văn hóa, lớp dành cho trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt
không được đi học ở nhà trường (sau đây gọi chung là lớp độc lập) có người học
dưới 18 tuổi; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Môi trường giáo dục là tất cả các điều kiện về vật
chất và tinh thần có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện và
phát triển của người học.
2. Môi trường giáo dục an toàn là môi trường giáo dục
mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần.
3. Môi trường giáo dục lành mạnh là môi trường giáo
dục không có tệ nạn xã hội, không bạo lực; người học, cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa.
4. Môi trường giáo dục thân thiện là môi trường
giáo dục mà người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái;
được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực.
5. Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi,
đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô
lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của
người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Chương II
MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC AN TOÀN, LÀNH MẠNH, THÂN THIỆN;
PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Điều 3. Yêu cầu về địa điểm, cơ
sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em
1. Địa điểm đặt cơ sở giáo dục, lớp độc lập không
vi phạm quy định tại khoản 13 Điều 6 của Luật
trẻ em và không nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm.
2. Cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục bảo đảm các
yêu cầu sau:
a) Có khuôn viên, cổng trường, biển tên trường, tường
rào, hàng rào, sân vườn, cây xanh bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp cảnh quan,
môi trường thân thiện;
b) Có sân chơi, bãi tập, khu để xe phù hợp và thân
thiện với người học;
c) Có khối phòng học, phòng học bộ môn, phòng phục
vụ học tập bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng mát, có bàn ghế phù hợp với người học.
Có khu nhà ăn, nhà nghỉ đối với các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú, nội trú;
d) Có công trình vệ sinh, nước sạch và các công
trình xây dựng khác bảo đảm an toàn, thân thiện, dễ tiếp cận, phù hợp với nhu cầu
đa dạng của người sử dụng.
3. Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em của cơ
sở giáo dục, lớp độc lập bảo đảm phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của
người học; được sắp xếp và sử dụng an toàn, hợp lý, dễ tiếp cận.
Điều 4. Yêu cầu về tài liệu, học
liệu giảng dạy
1. Đối với cơ sở giáo dục:
a) Tài liệu, học liệu giảng dạy và học tập phù hợp
với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục; bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm,
tính nhân văn và tính thẩm mỹ; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của người học;
không chứa đựng các yếu tố kích động bạo lực, khiêu dâm; không trái với văn
hóa, lịch sử Việt Nam; không có định kiến giới, phân biệt đối xử;
b) Có tài liệu, học liệu về giáo dục đạo đức, lối sống,
kỹ năng sống, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục giới tính, phòng chống
tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại;
c) Có hệ thống công nghệ thông tin kết nối Internet
và website đáp ứng yêu cầu dạy và học; được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nội
dung an toàn, lành mạnh, phù hợp với độ tuổi người học.
2. Đối với lớp độc lập: Tối thiểu phải đạt yêu cầu
quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Điều 5. Hoạt động bảo đảm môi
trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
1. Đối với cơ sở giáo dục
a) Bảo đảm an ninh trật tự; an
toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn,
phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai;
b) Xây dựng, công khai và thực
hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của
người học;
c) Thiết lập kênh thông tin
như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các
thông tin của người học; bảo mật cho người cung cấp thông tin;
d) Tổ chức các hoạt động trải
nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính
khóa, hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng, hoạt động vui chơi, giải trí,
văn hóa, thể thao an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, phù hợp với độ tuổi,
đặc điểm sinh lý, tâm lý của người học;
đ) Thực hiện công tác y tế
trường học, công tác tư vấn, công tác trợ giúp người học;
e) Thường xuyên trao đổi thông
tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng,
thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học.
2. Đối với lớp độc lập: Tối thiểu phải đạt yêu cầu
quy định tại điểm a và điểm e khoản 1 Điều này.
Điều 6. Phòng, chống bạo lực học
đường
1. Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường:
a) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của
người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình
người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về
trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa
và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả
năng của bản thân;
b) Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng,
chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên
môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở
giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ
cho người học;
c) Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường
và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;
d) Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý
thông tin liên quan đến bạo lực học đường;
đ) Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực,
không bạo lực đối với người học.
2. Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực
học đường:
a) Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ,
có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường;
b) Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể
xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể;
c) Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy
cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.
3. Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường:
a) Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học,
đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học;
b) Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc
y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của
người bị bạo lực;
c) Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối
hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục
thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương III
TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC AN TOÀN, LÀNH MẠNH,
THÂN THIỆN, PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Điều 7. Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương,
tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức và cá nhân có liên quan bảo đảm môi trường
giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong
cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý.
2. Hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến
thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống
bạo lực học đường vào kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc
phạm vi quản lý.
3. Hướng dẫn công tác tư vấn học
đường, công tác xã hội trường học.
4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục và lớp
độc lập thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện các quy định về môi trường
giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Điều 8. Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương,
tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức và cá nhân có liên quan bảo đảm môi trường
giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong
cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý.
2. Hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến
thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống
bạo lực học đường vào chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục và lớp độc lập
thuộc phạm vi quản lý.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục và lớp
độc lập thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện các quy định về môi trường
giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Điều 9. Bộ Thông tin và Truyền
thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trong việc
tuyên truyền về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện,
phòng, chống bạo lực học đường.
Điều 10. Bộ Công an
1. Chỉ đạo, hướng dẫn công an các cấp phối hợp với
cơ sở giáo dục bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng, chống vi phạm
pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo lực học đường.
2. Chỉ đạo triển khai việc bảo đảm môi trường giáo
dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở
giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra trường giáo dưỡng
trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh,
thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Điều 11. Bộ Y tế
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và tổ
chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe, phòng
chống dịch, bệnh cho người học.
Điều 12. Trách nhiệm của các bộ,
cơ quan ngang bộ
1. Chỉ đạo triển khai việc bảo đảm môi trường giáo
dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở
giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý.
2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục, lớp
độc lập thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện các quy định về môi trường
giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Điều 13. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các cấp
1. Chỉ đạo triển khai việc bảo đảm quy định về môi
trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường
theo phân cấp quản lý.
2. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của địa phương bảo
đảm an ninh trật tự, an toàn trong cơ sở giáo dục, lớp độc lập; điều tra và xử
lý vụ việc bạo lực học đường, gây mất an toàn cho cơ sở giáo dục, lớp độc lập
theo phân cấp quản lý.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục,
lớp độc lập trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn,
lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo phân cấp quản lý.
Điều 14. Đề nghị Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận
1. Giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với
các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh,
thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
2. Tổ chức tuyên truyền, vận động thành viên, hội
viên, đoàn viên, đội viên của tổ chức và toàn xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng
môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Điều 15. Đề nghị các tổ chức
xã hội
1. Vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ,
tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống
bạo lực học đường.
2. Tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến
nghị của các tổ chức xã hội và của người học chuyển đến các cơ quan nhà nước để
góp ý, tư vấn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện,
phòng, chống bạo lực học đường.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng
9 năm 2017.
Điều 17. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).KN
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|