Thứ 3, Ngày 05/11/2024

Tổng hợp các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục? Chế độ tài chính đối với cơ sở giáo dục hiện nay?

Tổng hợp các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục? Chế độ tài chính đối với cơ sở giáo dục hiện nay? Tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục có đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy của giáo viên?

Nội dung chính

    Tổng hợp các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục?

    Theo tôi được biết thì Luật giáo dục vừa được ban hành. Vậy thì ban biên tập có thể cho tôi biết căn cứ pháp lý và nội dung quản lý nhà nước về giáo dục được quy định như thế nào?

    Trả lời: Căn cứ Điều 104 Luật Giáo dục 2019  thì nội dung quản lý nhà nước về giáo dục bao gồm:

    1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục.

    2. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; ban hành điều lệ nhà trường, chuẩn cơ sở giáo dục, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục, điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh; quy định hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; quy định về đánh giá kết quả học tập và rèn luyện; khen thưởng và kỷ luật đối với người học.

    3. Quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; ban hành quy tắc ứng xử của nhà giáo, của cơ sở giáo dục; quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và hình thức tuyển dụng giáo viên.

    4. Quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; khung trình độ quốc gia; tiêu chuẩn nhà giáo; tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị trường học; việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, giáo trình; việc thi, kiểm tra, tuyển sinh, liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được sử dụng tại Việt Nam.

    5. Quy định về đánh giá chất lượng giáo dục; tổ chức, quản lý việc bảo đảm chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục.

    6. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động giáo dục.

    7. Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục.

    8. Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

    9. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục.

    10. Tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực giáo dục.

    11. Tổ chức, quản lý công tác hợp tác quốc tế, đầu tư của nước ngoài về giáo dục.

    12. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật trong giáo dục.

    Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn thắc mắc.

    Chế độ tài chính đối với cơ sở giáo dục

    Ban biên tập cho tôi hỏi: theo Luật Giáo dục mới sắp có hiệu lực năm 2020 thì quy định như thế nào về chế độ tài chính đối với cơ sở giáo dục? Mong phản hồi!

    Trả lời: Căn cứ Điều 101 Luật Giáo dục 2019 quy định về chế độ tài chính đối với cơ sở giáo dục, cụ thể như sau:

    - Cơ sở giáo dục công lập thực hiện quản lý các khoản thu, chi tài chính, quản lý sử dụng tài sản theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

    - Cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính theo quy định của pháp luật. Khoản thu của cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được dùng để chi cho các hoạt động của cơ sở giáo dục, thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, thiết lập quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác của cơ sở giáo dục, phần còn lại được phân chia cho nhà đầu tư theo tỷ lệ vốn góp, trừ cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận.

    - Cơ sở giáo dục phải công bố công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

    Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn thắc mắc.

    Tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục có đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy của giáo viên?

    Ban biên tập cho tôi hỏi. Trường hợp tôi đã tốt nghiệp cử nhân ngành địa lý nay tôi học thạc sĩ giáo dục thì có đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy của giáo viên để giảng dạy cấp trung học phổ thông theo quy định mới không?

    Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 72 Luật giáo dục 2019  có quy định:

    Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

    - Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

    - Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

    Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì cá nhân có bằng tốt nghiệp cử nhân địa lý và có bằng tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục thì vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn để là giáo viên trung học phổ thông. Bởi theo quy định thì giáo viên giảng dạy trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên. Trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

    3