Tòa án và cơ quan hải quan thực hiện việc thi hành án hành chính theo trình tự và thủ tục nào?
Nội dung chính
Tòa án và cơ quan hải quan thực hiện việc thi hành án hành chính theo trình tự và thủ tục nào?
Trình tự, thủ tục thi hành án hành chính của Tòa án của cơ quan hải quan được quy định tại Mục 2 Phần III Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục tham gia thủ tục hành chính tại Tòa án của cơ quan hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:
1. Thi hành bản án, quyết định của Tòa án
Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án thực hiện như sau:
a) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính theo quy định của pháp luật. Cơ quan Hải quan có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Cơ quan Hải quan phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo nội dung bản án, quyết định của Tòa để thi hành. Trường hợp quyết định đó đã được thi hành toàn bộ hoặc một phần thì cơ quan đã ban hành quyết định hành chính đó phải thực hiện các biện pháp để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật;
c) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì cơ quan Hải quan, người đã thực hiện hành vi hành chính phải chấm dứt hành vi hành chính đó, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Việc chấm dứt thực hiện hành vi hành chính phải được lập thành biên bản, có chứng kiến và chữ ký của Chấp hành viên;
d) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì cơ quan Hải quan, người có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.
đ) Trường hợp Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cơ quan Hải quan phải thi hành ngay sau khi nhận được quyết định.
2. Thời hạn thi hành án
a) Thời hạn tự nguyện thi hành án đối với bản án, quyết định của Tòa án nêu tại các Điểm a, b, c, d, Khoản 1, Mục này là 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Đối với quyết định của Tòa án nêu tại điểm đ Khoản 1 Mục này thì phải thi hành ngay kể từ khi nhận được Quyết định.
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án quy định tại điểm a Khoản này, cơ quan phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản về tình hình, kết quả thi hành án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp và Tổng cục Hải quan (qua Vụ Pháp chế) theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Bản hướng dẫn này.
c) Trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn quy định, Tòa án có thể ra quyết định buộc thi hành án, cơ quan phải thi hành án có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án. Người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan phải thi hành án có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo người phải thi hành án nghiêm chỉnh chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp người phải thi hành án vẫn không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp có văn bản chỉ đạo về việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan phải thi hành án. Các văn bản chỉ đạo này phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thi hành xong bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan phải thi hành án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả thi hành án cho các cơ quan như nêu tại Điểm b Khoản này.
3. Xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính
a) Công chức, viên chức Hải quan có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016.
b) Cơ quan Hải quan, công chức, viên chức Hải quan cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại thì phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước, pháp luật về dân sự.
Trên đây là nội dung tư vấn về trình tự, thủ tục thi hành án hành chính của Tòa án của cơ quan hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017.