Tình hình triển khai Luật Đất đai 2024 qua Báo cáo 266/BC-BTNMT

Tình hình triển khai Luật Đất đai 2024 qua Báo cáo 266/BC-BTNMT được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Nội dung chính

    Tình hình triển khai Luật Đất đai 2024 qua Báo cáo 266/BC-BTNMT

    Ngày 14 tháng 11 năm 2024, Báo cáo 266/BC-BTNMT được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành nhằm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.

    Báo cáo 266/BC-BTNMT đề cập đến một số vấn đề nổi lên trong triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 như sau:

    (1) Thành tựu sau 03 tháng thi hành các quy định mới của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành:

    - Luật Đất đai 2024 bước đầu mang lại hiệu quả trong phân cấp, phân quyền, thu hồi đất, xác định giá đất, cấp giấy chứng nhận, và các hoạt động khác. Điều này tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

    (2) Vấn đề tồn tại trong việc tổ chức thi hành:

    - Chậm ban hành văn bản chi tiết: Nhiều địa phương lúng túng trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết do hạn chế nhân lực và kinh nghiệm, gây khó khăn trong triển khai.

    - Khó khăn về giá đất: Việc điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất mới theo quy định gặp thách thức, cần đảm bảo không gây sốc về giá và tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp.

    (3) Biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc:

    - Đẩy nhanh ban hành văn bản quy định chi tiết, áp dụng quy trình rút gọn.

    - Tăng cường tập huấn, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, kiện toàn tổ chức bộ máy.

    - Thận trọng trong điều chỉnh bảng giá đất, tránh chênh lệch lớn, đảm bảo công khai, minh bạch.

    - Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

    Tình hình triển khai Luật Đất đai 2024 qua Báo cáo 266/BC-BTNMTTình hình triển khai Luật Đất đai 2024 qua Báo cáo 266/BC-BTNMT
    (Hình từ internet)

    Nhiệm vụ trọng tâm triển khai Luật Đất Đai trong thời gian tới và đề xuất, kiến nghị

    Theo Báo cáo 266/BC-BTNMT, một số nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới cụ thể là:

    (1) Một số nhiệm vụ trọng tâm

    (i) Tăng cường lãnh đạo và tuyên truyền: Tập trung xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn thường xuyên để tạo đồng thuận xã hội và thống nhất trong thực hiện.

    (ii) Đầu tư điều kiện thi hành: Bảo đảm tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả triển khai tại địa phương.

    (iii) Điều chỉnh Bảng giá đất: Rà soát Bảng giá đất hiện hành theo Luật 2013, chuẩn bị xây dựng Bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 để áp dụng từ ngày 01/01/2026. Việc điều chỉnh phải phân tích kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo phù hợp thực tế và đồng thuận xã hội.

    (iv) Quản lý đấu giá đất: Công khai quy hoạch, điều chỉnh giá đất hợp lý, bổ sung quy chế công khai đối tượng bỏ cọc để hạn chế hành vi trục lợi, thổi giá, gây rối thị trường bất động sản.

    (v) Tăng cường thanh tra, kiểm tra: Đẩy mạnh kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai 2024 tại các địa phương, xử lý nghiêm các vi phạm từ cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng đất.

    (2) Một số đề xuất, kiến nghị

    Luật Đất đai 2024 được ban hành với nhiều điểm mới, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và triển khai sớm hơn 05 tháng so với kế hoạch. Tuy nhiên, giai đoạn đầu không tránh khỏi khó khăn, lúng túng tại các địa phương.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thực thi, tổng hợp khó khăn, phối hợp tháo gỡ vướng mắc. Nếu phát hiện bất cập trong cơ chế, chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu giải pháp nhằm đưa Luật vào thực tiễn, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững. Để triển khai hiệu quả công tác này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như sau:

    (i) Tăng cường lãnh đạo địa phương: Siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và định mức kinh tế kỹ thuật về đất đai.

    (ii) Chuẩn bị Bảng giá đất mới: Đảm bảo nguồn lực, cơ sở hạ tầng và sự phối hợp liên ngành để xây dựng Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 áp dụng từ ngày 01/01/2026.

    (ii) Nâng cao vai trò giám sát: Đoàn Đại biểu Quốc hội tại các địa phương tăng cường giám sát việc xây dựng văn bản chi tiết, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả trong thi hành Luật.

    11