Tiêu chí xác lập và phân cấp xung yếu rừng phòng hộ được quy định như thế nào?

Tiêu chí xác lập và phân cấp xung yếu rừng phòng hộ được quy định như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? Văn bản nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Tiêu chí xác lập và phân cấp xung yếu rừng phòng hộ được quy định như thế nào?

    Tiêu chí xác lập và phân cấp xung yếu rừng phòng hộ được quy định tại Điều 5 Quyết định 17/2015/QĐ-TTg về Quy chế quản lý rừng phòng hộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành như sau:

    1. Rừng phòng hộ đầu nguồn được phân ra cấp xung yếu và rất xung yếu khi có đủ các tiêu chí sau:

    a) Cấp rất xung yếu

    - Lượng mưa lớn hơn 2.000 milimét một năm hoặc lượng mưa từ 1.500 đến 2.000 milimét một năm, tập trung trong 2 đến 3 tháng.

    - Địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu lớn hơn 50 mét, độ dốc lớn hơn 35 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu từ 25 đến 50 mét, độ dốc lớn hơn 25 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu nhỏ hơn 25 mét, độ dốc lớn hơn 15 độ.

    - Độ cao thuộc một phần ba phía trên của núi (đỉnh).

    - Thành phần cơ giới và độ dày tầng đất: Loại đất cát, cát pha, tầng đất trung bình hay mỏng có độ dày tầng đất nhỏ hơn hoặc bằng 80 centimét; đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất dưới 30 centimét.

    b) Cấp xung yếu

    - Lượng mưa từ 1.500 đến 2.000 milimét một năm hoặc lượng mưa từ 1.000 đến dưới 1.500 milimét một năm, tập trung trong 2 đến 3 tháng.

    - Địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu lớn hơn 50 mét, độ dốc từ 26 độ đến 35 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu từ 25 đến 50 mét, độ dốc từ 15 độ đến 25 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu nhỏ hơn 25 mét, độ dốc từ 8 độ đến 15 độ.

    - Độ cao thuộc một phần ba khoảng giữa của núi (sườn).

    - Loại đất cát hoặc cát pha, tầng đất dày lớn hơn 80 centimét; đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất từ 30 centimét đến 80 centimét.

    c) Tiêu chí bổ sung

    Trong quá trình phân cấp xung yếu rừng phòng hộ, tăng cấp xung yếu thành cấp rất xung yếu đối với các trường hợp khu rừng phòng hộ liền kề với các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trọng điểm, các thành phố, thị xã, thị trấn, đường giao thông miền núi; khu rừng phòng hộ ven hai bên bờ sông, suối chính hoặc ven hồ, ven đập.

    2. Tiêu chí xác lập rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay

    a) Đụn cát, cồn cát di động, bãi tiếp giáp với địa hình cát di động, thung cát: Cát di động theo nước mưa, lũ, bão hoặc khu vực nội địa đang bị cát san, cát lấp, gây nguy hại đến thành phố, thị xã, vùng đã quy hoạch phát triển, các công trình hạ tầng, văn hóa xã hội cấp quốc gia, cấp tỉnh, cơ sở nông, công nghiệp tập trung, nơi làng mạc, đường xá, cầu, cống có diện tích lớn hơn 100 hecta;

    b) Cồn cát cố định, bãi cát ven biển, vùng nội địa sẽ bị cát san, cát lấp từ 5 đến 10 năm, gây nguy hại cho các thị trấn, thị tứ, vùng trung tâm cụm xã, các công trình hạ tầng, văn hóa xã hội cấp huyện, liên huyện, cụm xã, nơi đồng ruộng ít, nhà máy nhỏ, rải rác, nơi làng mạc, đường xá, cầu, cống chưa có nguy cơ bị cát vùi lấp trong 5 năm tới, diện tích nhỏ hơn 100 hecta.

    3. Tiêu chí xác lập rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển

    a) Vùng ven biển, cửa sông có đê, đập khoảng cách tính từ chân đê, chân đập ra phía biển là 200 mét lúc triều cao trung bình;

    b) Vùng ven biển, cửa sông bị xói lở không có đê, đập khoảng cách tính từ mép nước ra phía biển đến 500 mét lúc triều cao trung bình. Trong trường hợp cửa sông không xói lở thì rừng phòng hộ kết hợp sản xuất có thể được xác định đến 200 mét tính từ mép nước ra phía biển lúc triều cao trung bình.

    4. Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường được xác lập cho từng công trình cụ thể, diện tích do địa phương quyết định theo quy định hiện hành.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    229
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ