Tiền thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước cần làm gì?
Nội dung chính
Tiền thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước cần làm gì?
Căn cứ điểm a khoản 7 Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai quy định như sau:
Trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai
...
7. Xử lý tài sản trên đất, giá trị tài sản còn lại của người có đất thu hồi
a) Trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 6 Điều 81 Luật Đất đai thì số tiền sử dụng đất thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (nếu có) sau khi trừ đi các chi phí cưỡng chế, tổ chức đấu giá theo quy định được nộp ngân sách nhà nước để thanh toán nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, số tiền còn lại được hoàn trả cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thu hồi;
b) Trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 7 Điều 81 Luật Đất đai thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất theo quy định, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thu hồi được thực hiện bán tài sản theo quy định của pháp luật. Khi hết thời hạn nêu trên, người sử dụng đất thu hồi không thực hiện được việc bán tài sản của mình gắn liền với đất thì Nhà nước không bồi thường đối với tài sản gắn liền với đất. Chủ sở hữu tài sản phải tự tháo dỡ tài sản trả lại mặt bằng cho Nhà nước theo thời hạn ghi trong quyết định thu hồi đất, trường hợp không thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Trường hợp nhà đầu tư mua lại tài sản gắn liền với đất của người có đất thu hồi thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để thanh toán nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, tiền thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 6 Điều 81 Luật Đất đai 2024 cần thực hiện khấu trừ đi các chi phí cưỡng chế, tổ chức đấu giá.
Sau đó, số tiền còn lại được hoàn trả phần còn lại cho người có đất thu hồi (nếu có).
Tiền thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước cần làm gì? (Hình từ Internet)
Dự án xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khu dân cư nông thôn do ai quản lý?
Căn cứ khoản 2 Điều 41 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về các trường hợp do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất quy định như sau:
Các trường hợp do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất
1. Quản lý khai thác quỹ đất quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Đất đai.
2. Thực hiện dự án xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Thực hiện dự án xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khu dân cư nông thôn; để bố trí tái định cư; dự án bố trí đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Đất đai.
4. Thực hiện dự án bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Đất đai.
Theo đó, tổ chức phát triển quỹ đất chịu trách nhiệm triển khai, quản lý và khai thác các dự án liên quan đến khu dân cư nông thôn, từ khâu tạo lập quỹ đất, xây dựng hạ tầng đến việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Việc cho thuê đất như thế nào không phải đấu giá quyền sử dụng đất?
Căn cứ khoản 6 Điều 43 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về quản lý, khai thác quỹ đất ngắn hạn quy định như sau:
Quản lý, khai thác quỹ đất ngắn hạn
...
5. Tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm lập danh mục các khu đất, thửa đất có khả năng khai thác ngắn hạn, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất và của tổ chức phát triển quỹ đất để lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đơn xin thuê đất và có đề xuất đơn giá thuê cao nhất trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày công bố.
Trường hợp chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân có đơn xin thuê đất và có đề xuất đơn giá thuê đất không thấp hơn đơn giá khởi điểm quy định tại khoản 2 Điều này thì tổ chức phát triển quỹ đất ký hợp đồng cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân đó.
Trường hợp hết thời hạn 30 ngày mà không có tổ chức, cá nhân xin thuê đất thì thực hiện lại việc công bố công khai theo quy định tại khoản này.
6. Việc cho thuê đất ngắn hạn quy định tại Điều này không phải đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không phải đáp ứng yêu cầu về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể trình tự, thủ tục cho thuê quỹ đất ngắn hạn tại địa phương.
Như vậy, việc cho thuê đất ngắn hạn quy định tại Điều 43 Nghị định 102/2024/NĐ-CP không phải đấu giá quyền sử dụng đất.