Theo quy định thì khi tiến hành kê biên tài sản có cần sự có mặt của con dưới 18 tuổi hay không?
Nội dung chính
Theo quy định thì khi tiến hành kê biên tài sản có cần sự có mặt của con dưới 18 tuổi hay không?
Tại Khoản 4 Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về kê biên tài sản, như sau:
Kê biên tài sản
...
4. Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt những người:
a) Bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo;
b) Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên;
c) Người chứng kiến.
Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, đọc cho những người có mặt nghe và cùng ký tên. Ý kiến, khiếu nại của những người quy định tại điểm a khoản này liên quan đến việc kê biên được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.
Biên bản kê biên được lập thành bốn bản, trong đó một bản được giao ngay cho người được quy định tại điểm a khoản này sau khi kê biên xong, một bản giao ngay cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản đưa vào hồ sơ vụ án.
Theo đó, việc tiến hành kê biên tài sản chỉ cần sự có của bị can, bị cáo, người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo mà không cần phải bắt buộc có sự hiện diện của con dưới 18 tuổi.
Theo quy định thì khi tiến hành kê biên tài sản có cần sự có mặt của con dưới 18 tuổi hay không? (Hình ảnh từ Internet)
Sử dụng tài sản kê biên có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Theo Điều 385 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản:
Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản
1. Người nào được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phá hủy niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;
b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;
b) Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, cá nhân được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên khi sử dụng tài sản kê biên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tài sản nào của pháp nhân thương mại không được kê biên?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định tài sản không được kê biên của pháp nhân thương mại như sau:
Tài sản không được kê biên
1. Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.
2. Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động.
3. Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh.
4. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Với quy định này, pháp nhân thương mại khi vi phạm đến mức phải kê biên tài sản thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không được phép kê biên những tài sản trên.