Theo quy định hiện hành, biện pháp phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự được áp dụng cho những đối tượng nào?

Theo quy định hiện hành, biện pháp phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự được áp dụng cho những đối tượng nào? Pháp luật quy định chi tiết nội dung tại văn bản pháp luật nào?

Nội dung chính

    Theo quy định hiện hành, biện pháp phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự được áp dụng cho những đối tượng nào?

    Các đối tượng bị áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản được quy định tại Khoản 1 Điều 129 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

    Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.

    Đây là biện pháp cưỡng chế mới được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thay vì chỉ áp dụng 3 biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản như quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

    Về thẩm quyền áp dụng, pháp luật hiện hành quy định những người có thẩm quyền ra quyết định bắt bị cáo để tạm giữ, tạm giam tại Khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản. Lệnh phong tỏa tài khoản của những người được quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

    Về nguyên tắc thực hiện, chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

    Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị buộc tội hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

    Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản.

    Biên bản về việc phong tỏa tài khoản được lập thành năm bản, trong đó một bản được giao ngay cho người bị buộc tội, một bản giao cho người khác có liên quan đến người bị buộc tội, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản lưu tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.

    Trên đây là nội dung tư vấn về các đối tượng bị áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

    15