Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động của người Việt Nam tại cửa khẩu được quy định như thế nào?
Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Nội dung chính
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động của người Việt Nam tại cửa khẩu được quy định như thế nào?
Hoạt động của người Việt Nam tại cửa khẩu được quy định tại Điều 26 Nghị định 77/2017/NĐ-CP quy định quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng (có hiệu lực từ ngày 20/08/2017) như sau:
1. Người Việt Nam xuống tàu thuyền nước ngoài, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thực hiện nhiệm vụ, nhân viên y tế xuống tàu thuyền nước ngoài để cấp cứu cho thuyền viên, hành khách; người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài, tàu thuyền Việt Nam để làm việc, thực hiện các hoạt động trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cửa khẩu cảng phải có giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp theo quy định tại các Điều 24, 25 Nghị định này và phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.
…
3. Người Việt Nam, người nước ngoài không được phép xuống, rời tàu thuyền trước và trong khi tàu thuyền làm thủ tục nhập cảnh, chuyển cảng đến, trong và sau khi tàu thuyền làm thủ tục xuất cảnh, chuyển cảng đi, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, hoa tiêu, người làm thủ tục đang thực hiện nhiệm vụ, nhân viên y tế xuống tàu khám, chữa bệnh cho thuyền viên, hành khách.
4. Đối với tàu thuyền thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, ngay sau khi tàu thuyền neo đậu an toàn tại cảng, người Việt Nam, người nước ngoài có liên quan được phép xuống, rời tàu thuyền để thực hiện các hoạt động phục vụ bốc dỡ hàng hóa và các hoạt động theo chương trình, kế hoạch cho đến khi tàu thuyền rời cảng.
5. Thuyền viên, hành khách không đủ điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, không được phép rời tàu thuyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 Nghị định này.
Thuyền trưởng có trách nhiệm quản lý những thuyền viên, hành khách này tại tàu cho đến khi tàu thuyền rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Theo đó, Điều 24, 25 Nghị định này quy định như sau:
Điều 24. Cấp Giấy phép xuống tàu
1. Đối tượng được cấp Giấy phép xuống tàu
a) Giấy phép xuống tàu thời hạn 12 tháng:
Cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài thuộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thường xuyên xuống tàu thuyền nước ngoài làm việc không quá 12 tháng, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng;
b) Giấy phép xuống tàu thời hạn 03 tháng:
Cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài thuộc các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu thường xuyên xuống tàu thuyền nước ngoài, người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài làm việc không quá 03 tháng, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng.
2. Giá trị sử dụng của Giấy phép xuống tàu
a) Giấy phép xuống tàu do một đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng cấp chỉ có giá trị sử dụng tại cửa khẩu cảng do đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng đó quản lý;
b) Khi hoạt động tại cửa khẩu cảng, người được cấp giấy phép có hành vi vi phạm pháp luật bị thu hồi Giấy phép xuống tàu.
3. Thủ tục cấp Giấy phép xuống tàu
a) Người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu hoặc đại diện cơ quan, doanh nghiệp chủ quản nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng các loại giấy tờ sau:
Giấy tờ phải nộp: Giấy giới thiệu hoặc công văn đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu của cơ quan, doanh nghiệp chủ quản; 01 danh sách trích ngang của người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu, thực hiện theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; riêng người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu thời hạn 12 tháng phải nộp 01 ảnh màu cỡ 02 cm x 03 cm.
Giấy tờ phải xuất trình đối với người nước ngoài: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
b) Ngay sau khi tiếp nhận đầy đủ các loại giấy tờ quy định tại điểm a khoản này, Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện cấp Giấy phép xuống tàu;
c) Lệ phí cấp Giấy phép xuống tàu theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
4. Người được cấp Giấy phép xuống tàu phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và quy định ghi trong Giấy phép xuống tàu.
5. Biên phòng cửa khẩu cảng từ chối cấp Giấy phép xuống tàu và phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do đối với các trường hợp:
a) Vì lý do quốc phòng, an ninh;
b) Người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu thuộc diện chưa cho xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh Việt Nam; sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo hoặc hết giá trị;
c) Cần thiết để bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng, chống dịch bệnh.
Điều 25. Cấp Giấy phép cho người Việt Nam và người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài, người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam neo đậu tại cảng; người điều khiển phương tiện Việt Nam, phương tiện nước ngoài cập mạn tàu thuyền nước ngoài; thuyền viên nước ngoài nghỉ qua đêm trên bờ hoặc xuống các tàu thuyền khác đang neo đậu tại cảng
1. Đối tượng được cấp Giấy phép
a) Người Việt Nam, người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng để thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, thăm quan;
b) Người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam neo đậu tại cảng để thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, thăm quan;
c) Người điều khiển phương tiện Việt Nam, nước ngoài cập mạn tàu thuyền nước ngoài;
d) Thuyền viên nước ngoài đề nghị nghỉ qua đêm trên bờ hoặc xuống các tàu thuyền khác đang neo đậu tại cảng.
2. Giá trị sử dụng của Giấy phép
a) Giấy phép cấp cho các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng trong một chuyến tàu thời hạn không quá 10 ngày;
b) Giấy phép cấp cho các đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng trong một chuyến tàu theo thời hạn ghi trong Giấy phép;
c) Người mang Giấy phép chỉ được xuống tàu thuyền nước ngoài được ghi trong Giấy phép; xuất trình Giấy phép kèm theo giấy tờ tùy thân có số giấy tờ được ghi trong Giấy phép cho lực lượng giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng;
d) Đối với cán bộ, công nhân viên các cơ quan, doanh nghiệp, đại lý tàu biển làm việc, giao dịch với tàu thuyền hoạt động ngoài khơi, công nhân ở khu vực giàn khoan, theo đề nghị của cơ quan, doanh nghiệp chủ quản, Biên phòng cửa khẩu cảng cho phép người mang Giấy phép được xuống tất cả các tàu thuyền nước ngoài neo đậu, hoạt động tại khu vực đó.
3. Thủ tục cấp Giấy phép:
a) Người đề nghị cấp Giấy phép hoặc đại diện cơ quan, doanh nghiệp chủ quản nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng các loại giấy tờ sau:
Giấy tờ phải nộp: Giấy giới thiệu hoặc công văn của cơ quan, doanh nghiệp chủ quản, giấy mời hoặc đơn đề nghị của thuyền trưởng.
Trường hợp cơ quan doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép cho từ 02 người trở lên: 01 danh sách trích ngang của người đề nghị cấp Giấy phép nội dung gồm: Họ tên; quốc tịch; nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh; chức vụ; số của Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Giấy tờ phải xuất trình:
Đối với người nước ngoài quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Đối với người Việt Nam quy định tại các điểm a, c khoản 1 Điều này: Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
b) Ngay sau khi tiếp nhận đầy đủ các loại giấy tờ quy định tại điểm a khoản này, Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện cấp Giấy phép;
c) Lệ phí cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
4. Người được cấp Giấy phép xuống tàu phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và quy định ghi trong Giấy phép.
5. Biên phòng cửa khẩu cảng từ chối cấp Giấy phép và phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do đối với các trường hợp sau:
a) Vì lý do quốc phòng, an ninh;
b) Người đề nghị cấp Giấy phép thuộc diện chưa cho xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh Việt Nam; sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo hoặc hết giá trị sử dụng;
c) Cần thiết để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống dịch bệnh.
Trên đây là nội dung về hoạt động của người Việt Nam tại cửa khẩu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 77/2017/NĐ-CP