Thế chấp sổ đỏ đứng tên người khác để vay tiền Ngân hàng có được không? Tự ý lấy sổ đỏ đứng tên người khác đi thế chấp có bị phạt không?

Thế chấp sổ đỏ đứng tên người khác để vay tiền ngân hàng có được không? Tự ý lấy sổ đỏ đứng tên người khác đi thế chấp có bị phạt không?

Nội dung chính

    Muốn vay tiền ngân hàng cần có đáp ứng điều kiện gì?

    Theo Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về điều kiện vay vốn quy định như sau:

    Điều kiện vay vốn
    Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
    1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
    2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
    3. Có phương án sử dụng vốn khả thi. Điều kiện này không bắt buộc đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ.
    4. Có khả năng tài chính để trả nợ.

    Theo đó, để được phép vay vốn ngân hàng, người vay phải từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Ngoài ra, người vay vốn ngân hàng cũng cần phải sử dụng vốn vay vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ.

    Thế chấp sổ đỏ đứng tên người khác để vay tiền Ngân hàng có được không?

    Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây được gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

    Cũng theo Điều 105 và Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015, nhà ở, quyền sử dụng đất là tài sản, quyền tài sản; khi đủ điều kiện sẽ được thế chấp. Như vậy, thế chấp nhà, đất là một dạng thế chấp tài sản.

    Điều 27 Luật Đất đai 2024 có quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, quyền góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.

    Đồng thời, tại khoản 21 Điều 3 của Luật Đất đai 2024 quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật này có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật Đất đai 2024.

    Như vậy, thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để thực hiện vay thế chấp, có nghĩa là bên thế chấp sổ đỏ phải dùng chính quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của mình (sổ đỏ mang tên của mình) để thực hiện việc thế chấp vay tài sản. Như vậy, thế chấp sổ đỏ đứng tên người khác để vay tiền là không được. Trừ trường hợp mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng khi có ủy quyền của chủ sở hữu, người mượn sổ đỏ được quyền kí hợp đồng thế chấp dựa vào hợp đồng ủy quyền.

    Thế chấp sổ đỏ đứng tên người khác để vay tiền Ngân hàng có được không? (Hình ảnh từ internet)

    Tự ý lấy sổ đỏ đứng tên người khác đi thế chấp có bị phạt không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi lấy sổ đỏ của người khác đi thế chấp có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng:

    Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
    ...
    2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;
    b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
    c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
    d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
    đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
    e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Ngoài ra, người có hành vi tự ý lấy sổ đỏ của người khác đi thể chấp còn phải chịu các hình phạt như:

    (1) Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

    (2) Biện pháp khắc phục hậu quả:

    - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    - Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm.

    25