Thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới được thực hiện theo thủ tục như thế nào theo pháp luật hiện hành?

Thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới được quy định như thế nào? Cách thức thực hiện được quy định như thế nào? Hồ sơ đề nghị thẩm định bao gồm giấy tờ gì?

Nội dung chính

    Thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới được quy định như thế nào? 

    Thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới được quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư 30/2011/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

    a) Trình tự thực hiện:

    - Cơ sở thiết kế, Cơ sở sản xuất (đối với trường hợp đủ điều kiện tự thiết kế sản phẩm) lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế theo quy định và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

    - Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn cơ sở hoàn thiện lại; Nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì viết giấy hẹn thời gian trả kết quả thẩm định thiết kế.

    - Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ thiết kế: Nếu hồ sơ thiết kế chưa đạt yêu cầu thì tiến hành thông báo bổ sung, sửa đổi; Nếu hồ sơ thiết kế đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế.

    b) Cách thức thực hiện:

    Cơ sở nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính.

    c) Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế bao gồm:

    - 01 văn bản đề nghị thẩm định thiết kế (bản chính);

    - 03 hồ sơ thiết kế (theo quy định tại khoản 1 Điều 4);***

    - 01 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cơ sở thiết kế (đối với trường hợp thẩm định thiết kế lần đầu của Cơ sở thiết kế) trong đó ghi rõ doanh nghiệp có chức năng hành nghề thiết kế xe cơ giới (bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp có xác nhận của Cơ sở thiết kế).

    d) Thời hạn giải quyết:

    Thời hạn thẩm định hồ sơ thiết kế và cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế: chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.

    ***Theo đó, hồ sơ thiết kế được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này như sau:

    Hồ sơ thiết kế xe cơ giới bao gồm:

    a) Thuyết minh thiết kế kỹ thuật xe cơ giới (bản chính) theo quy định tại mục A của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

    b) Bản vẽ kỹ thuật (bản chính) theo quy định tại mục B của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

    c) Bản thông số, tính năng kỹ thuật của các tổng thành, hệ thống nhập khẩu liên quan tới nội dung tính toán thiết kế (bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp có xác nhận của cơ sở thiết kế).

    Theo quy định tại mục A và mục B Phụ lục 2 thì:

    - Thuyết minh thiết kế xe cơ giới sẽ bao gồm các nội dung cơ bản sau đây: lời nói đầu; bố trí chung của xe thiết kế, tính toán về trọng lượng và phân bố trọng lượng, tính toán lựa chọn trang thiết bị chuyên dùng lắp trên xe (nếu có), thuyết minh về đặc tính kỹ thuật cơ bản của xe thiết kế và của xe cơ sở (nếu có); tính toán các đặc tính động học, động lực học và kiểm nghiệm bền các chi tiết, tổng thành, hệ thống; kết luận chung của bản thuyết minh và mục lục và các tài liệu tham khảo trong quá trình thiết kế.

    - Bản vẽ kỹ thuật sẽ bao gồm các nội dung sau: bản vẽ bố trí chung của xe cơ giới; bản vẽ lắp đặt của các tổng thành, hệ thống lên xe (Riêng đối với các xe được thiết kế từ xe cơ sở thì chỉ là các bản vẽ lắp đặt của các tổng thành, hệ thống lên xe cơ sở) và bản vẽ kết cấu và các thông số kỹ thuật của các tổng thành, hệ thống sản xuất trong nước. Các bản vẽ kỹ thuật nói trên phải được trình bày theo các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.


    Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2011/TT-BGTVT.

    Trân trọng!

    9