Tài khoản 301 – Tài sản cố định hữu hình áp dụng tổ chức tài chính vi mô được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Tài khoản 301 – Tài sản cố định hữu hình áp dụng tổ chức tài chính vi mô được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 05/2019/TT-BTC, có hiệu lực ngày 01/04/2019, Tài khoản 301 – Tài sản cố định hữu hình áp dụng tổ chức tài chính vi mô như sau:
(1) Nguyên tắc kế toán
- Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm toàn bộ tài sản cố định hữu hình của TCVM theo nguyên giá.
- Hạch toán tài khoản này thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03 - Tài sản cố định hữu hình. Việc quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định thực hiện theo cơ chế tài chính do Bộ Tài chính ban hành.
- Kế toán phải mở tài khoản chi tiết để theo dõi từng loại TSCĐ hữu hình.
(2) Kết cấu và nội dung phản ánh
Bên Nợ:
- Nguyên giá của TSCĐ hữu hình tăng do XDCB hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, do mua sắm, do nhận vốn góp, do được cấp, do được tặng biếu, tài trợ, phát hiện thừa;
- Điều chỉnh tăng nguyên giá của TSCĐ do xây lắp, trang bị thêm hoặc do cải tạo nâng cấp;
- Điều chỉnh tăng nguyên giá TSCĐ do đánh giá lại.
Bên Có:
- Nguyên giá của TSCĐ hữu hình giảm do điều chuyển, do nhượng bán, thanh lý hoặc đem đi góp vốn liên doanh,...
- Nguyên giá của TSCĐ giảm do tháo bớt một hoặc một số bộ phận;
- Điều chỉnh giảm nguyên giá TSCĐ do đánh giá lại.
Số dư bên Nợ: Nguyên giá TSCĐ hữu hình hiện có ở TCVM cuối kỳ.
Trên đây là quy định về Tài khoản 301 – Tài sản cố định hữu hình áp dụng tổ chức tài chính vi mô.