Quy trình, kỹ năng kiểm sát quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử được quy định như thế nào?

Quy trình, kỹ năng kiểm sát quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử được quy định thế nào? Nhờ hướng dẫn.

Nội dung chính

    Căn cứ Điều 10 Quy định kèm theo Quyết định 399/QĐ-VKSTC năm 2019 quy định khi kiểm sát quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, công chức thực hiện theo quy trình, kỹ năng tại Điều 4 và Điều 5 Quy định này và lưu ý kiểm sát các nội dung cụ thể sau đây:

    - Kiểm sát thời hạn gửi quyết định: Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Vì vậy, công chức căn cứ ngày ban hành, ngày gửi văn bản theo dấu bưu điện trên bì thư và ngày Viện kiểm sát nhận được quyết định để xác định Tòa án có vi phạm không.

    - Kiểm sát hình thức quyết định: Quyết định được lập theo Mẫu số 45 Nghị quyết số 01/2017.

    - Kiểm sát thời hạn ban hành quyết định: Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải được ban hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS.

    - Kiểm sát về thẩm quyền ban hành quyết định: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 219 BLTTDS.

    - Kiểm sát nội dung quyết định

    + Về căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án: Công chức nghiên cứu tài liệu, chứng cứ đương sự đã cung cấp, giao nộp hoặc được Thẩm phán thu thập để xác định căn cứ đình chỉ có thuộc các trường hợp quy định tại Điều 217 BLTTDS không.

    Trường hợp phát hiện Tòa án áp dụng căn cứ đình chỉ khác với tài liệu, chứng cứ đã có, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án để nghiên cứu hoặc Viện kiểm sát tự thu thập tài liệu, chứng cứ để phục vụ cho việc kháng nghị theo quy định tại khoản 6 Điều 97 BLTTDS.

    + Kiểm sát nội dung quyết định về giải quyết hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Điều 218 BLTTDS gồm:

    (i) Quyền khởi kiện lại hay không được khởi kiện lại vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS;

    (ii) Việc xử lý tiền tạm ứng án phí, chi phí tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 218 BLTTDS, Điều 18 Nghị quyết số 326/2016.

    (iii) Trường hợp Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì khi đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án phải đồng thời hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

    (iv) Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án phải đồng thời giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác liên quan (nếu có) theo quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS.

    + Về việc ghi quyền kháng cáo, kháng nghị: Quyết định phải ghi rõ quyền kháng cáo của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân, quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp. Việc kháng cáo, kháng nghị phải được thực hiện trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của pháp luật.

    1