Quy trình khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải nguy hại được thực hiện ra sao?
Nội dung chính
Khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại như thế nào?
Tại Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại, theo đó:
Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm sau đây:
- Khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường;
- Thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;
- Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.
Việc lưu giữ chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại;
- Không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường;
- Không làm phát tán bụi, rò rỉ chất thải lỏng ra môi trường;
- Chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
Chất thải nguy hại khi vận chuyển phải được lưu chứa và vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng phù hợp đến cơ sở xử lý chất thải. Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải lắp đặt thiết bị định vị; hoạt động theo tuyến đường và thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối tượng được phép vận chuyển chất thải nguy hại bao gồm:
- Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật và biểu mẫu khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại; hướng dẫn kỹ thuật về phương tiện, thiết bị lưu chứa, vận chuyển, phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; hướng dẫn đăng ký, vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng.
Khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại như thế nào? (Hình từ internet)
Phân định, phân loại chất thải nguy hại như thế nào?
Theo Điều 68 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định phân định, phân loại chất thải nguy hại như sau:
- Việc phân định chất thải nguy hại được thực hiện theo mã, danh mục và ngưỡng chất thải nguy hại.
- Các chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đối với các mã chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp.
- Nước thải nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở phát sinh thì được quản lý theo quy định về quản lý nước thải.
- Chất thải nguy hại phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào lưu giữ hoặc khi chuyển đi xử lý trong trường hợp không lưu giữ.
Danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường?
Căn cứ Điều 24 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường, theo đó:
- Danh mục chất thải bao gồm: chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường và mã chất thải được quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
- Việc phân loại chất thải thực hiện theo Danh mục chất thải quy định tại khoản 1 Điều này; việc phân định chất thải công nghiệp phải kiểm soát là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng chất thải nguy hại. Trường hợp chất thải công nghiệp phải kiểm soát chưa được phân định thì được quản lý như chất thải nguy hại; trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với một số tính chất và thành phần nguy hại nhất định thì áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường của một trong các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển.
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất (ký hiệu là TT-R) theo Danh mục chất thải quy định tại khoản 1 Điều này.