Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1569

Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung chính

    Phạm vi, ranh giới quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2050

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành 12/12/2024. Trong đó, tổng diện tích tự nhiên lập quy hoạch là 3.359,84km2.

    Theo Quyết định 1569/QĐ-TTg thì phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm:

    - Toàn bộ phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên là 3.359,84 km2.

    - Thành phố Hà Nội có tọa độ địa lý từ 20°53' đến 21°23' vĩ độ Bắc và 105°44' đến 106°02' kinh độ Đông.

    - Phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam, tỉnh Hòa Bình; phía Đông giáp tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên; phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ.

    Ngoài ra, Mục tiêu đến năm 2030 là phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.

    Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

    GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000 - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 85%.

    Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1569 (hình từ internnet)

    Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1569 (hình từ internnet)

    Quan điểm phát triển chung phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo quy hoạch Thủ đô Hà Nội

    Căn cứ tiểu mục 1 Mục II Quyết định 1569/QĐ-TTg

    - Phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế và hội nhập quốc tế có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.

    - Phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, hội nhập quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Khai thác và sử dụng hiệu quả các lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên. Bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa, lịch sử nghìn năm văn hiến, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển Thủ đô với con người là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển. Giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài là trụ cột cốt lõi trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

    - Phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, là động lực phát triển chính của Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết với các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước. Phát triển nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, có bản sắc của Thủ đô. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

    - Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phát triển theo hướng phù hợp điều kiện tự nhiên, hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của quốc gia.

    - Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối Thủ đô trong mọi tình huống. Tích cực chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội văn hiến, thanh bình và thịnh vượng, thành phố toàn cầu.

    Như vậy, Quy hoạch đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.

    Hình thành hệ thống mô hình chùm đô thị trong Thủ đô Hà Nội

    Về phương án quy hoạch đô thị trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội như sau:

    (1) Phương hướng phát triển đô thị Hà Nội mang bản sắc riêng của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là hình mẫu đi đầu trong phát triển đô thị xanh, thông minh, tuần hoàn, hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo lập môi trường sống văn minh, có sức hút đầu tư và tạo việc làm, phát triển bền vững. Phát triển không gian đô thị kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm, bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

    (2) Phát triển hệ thống đô thị

    Hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô.

    - Khu vực đô thị trung tâm, gồm khu vực nội đô lịch sử và các khu vực liền kề:

    + Khu vực nội đô lịch sử: Thực hiện bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang các khu vực phố cổ, phố cũ có giá trị kiến trúc để kiến tạo không gian phục vụ phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế ban đêm.

    + Khu vực nội đô hiện hữu ngoài khu vực bảo tồn: Cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ, khu nhà ở không bảo đảm an toàn thành các khu đô thị văn minh, hiện đại thông qua mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), mô hình điều chỉnh đất đai...

    + Khu vực đô thị trung tâm mở rộng: Hình thành các đô thị mới theo mô hình TOD kết hợp phát triển các mô hình đô thị 15 phút; phát triển đô thị sinh thái, chú trọng không gian công cộng, công viên cây xanh, mặt nước, hạn chế mô hình nhà ở phân lô thấp tầng.

    - Nghiên cứu hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô, bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn được quản lý và phát triển theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đặc thù của đô thị Hà Nội. Trước mắt hình thành thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây:

    + Thành phố phía Bắc (vùng Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh): là đô thị dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, kết nối quốc tế. Có cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển các mô hình đô thị xanh, hiện đại, thu hút các tập đoàn lớn đặt trụ sở, thu hút người có khả năng chi trả cao đến cư ngụ.

    + Thành phố phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai): là đô thị khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia gắn với Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Phát triển đô thị sinh thái, hiện đại, có các dịch vụ công cộng đồng bộ, chất lượng cao, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đến sinh sống, làm việc.

    Như vậy trên đây là nội dung về định hướng Quy hoạch đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ đô Hà Nội

    Quyết định 1569/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2024.

    10