Quy định về việc thụ lý đơn khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2018 được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Theo đó, người khiếu nại phải có nghĩa vụ chuẩn bị đơn khiếu nại và các thông tin, chứng cứ bổ sung (nếu có) chứng minh cho khiếu nại của mình là có căn cứ và hợp pháp và nộp đơn khiếu nại lên Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của bên làm đơn khiếu nại;
- Số, ngày, tháng, năm của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại;
- Lý do của việc khiếu nại và yêu cầu của bên làm đơn khiếu nại;
- Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên làm đơn khiếu nại.
Việc thụ lý đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong tố tụng cạnh tranh.
Theo đó, theo quy định tại Điều 98 Luật Cạnh tranh 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019) thì việc thụ lý đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện như sau:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thụ lý giải quyết, thông báo bằng văn bản cho bên khiếu nại và các bên liên quan đến nội dung đơn khiếu nại; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong quá trình thụ lý giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định đó. Quyết định tạm đình chỉ của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật.