Quy định về hiệu lực của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2018
Nội dung chính
Quy định về hiệu lực của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2018
Theo quy định pháp luật hiện hành thì quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tóm tắt nội dung vụ việc;
- Phân tích vụ việc;
- Kết luận xử lý vụ việc.
Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được tống đạt cho tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký.
Việc tống đạt quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải được thực hiện bằng một hoặc một số phương thức sau đây:
- Trực tiếp;
- Qua bưu điện;
- Qua người thứ ba được ủy quyền.
Trường hợp không tống đạt được theo một trong các phương thức trên thì quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải được niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo quy định tại Điều 95 Luật Cạnh tranh 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019) thì quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày kết thúc thời hạn khiếu nại quy định tại Điều 96 của Luật Cạnh tranh 2018, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 99 của Luật Cạnh tranh 2018.
Theo đó:
- Điều 96 Luật Cạnh tranh 2018 quy định thời hạn khiếu nại cụ thể như sau:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, tổ chức, cá nhân không nhất trí với một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
- Khoản 2 Điều 99 Luật Cạnh tranh 2018 quy định:
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định đó. Quyết định tạm đình chỉ của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật.