Quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải và xử phạt khi có vi phạm như thế nào?
Nội dung chính
Vi phạm các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải và chế tài xử phạt?
Căn cứ Điều 40 Nghị định 45/2022/NĐ-CP (có hiệu lực 25/08/2022) quy định về nội dung trên như sau:
Vi phạm các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải
- Hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải thì bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải hoặc không lập kế hoạch phục hồi môi trường sau sự cố chất thải;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không công khai kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải; không thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện khi xảy ra sự cố chất thải;
+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí lực lượng tại chỗ; không xây dựng kế hoạch tập huấn, huấn luyện cho lực lượng tại chỗ về ứng phó sự cố chất thải; không tổ chức diễn tập ứng phó sự cố chất thải;
+ Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng, lắp đặt công trình, trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải; không bảo đảm vật tư, phương tiện ứng phó sự cố chất thải theo kế hoạch ứng phó sự cố chất thải;
+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành hoặc chấp hành không đúng lệnh huy động lực lượng, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố chất thải của cơ quan, người có thẩm quyền;
+ Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải, không dừng hoạt động sản xuất khi xảy ra sự cố chất thải, không thực hiện những biện pháp thuộc trách nhiệm của mình để kịp thời ứng phó sự cố chất thải;
+ Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này mà không thực hiện phục hồi môi trường hoặc thực hiện phục hồi môi trường nhưng không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh, không đáp ứng với quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản;
+ Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với hành vi không thanh toán chi phí tổ chức ứng phó sự cố chất thải, chi phí phục hồi môi trường cho Nhà nước trong trường hợp Nhà nước đứng ra tổ chức ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố, không đền bù thiệt hại do sự cố chất thải theo quy định, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
- Hành vi gây sự cố chất thải thì bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi gây sự cố chất thải cấp cơ sở, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường;
+ Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi gây sự cố chất thải cấp huyện, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường;
+ Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi gây sự cố chất thải cấp tỉnh, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường;
+ Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi gây sự cố chất thải cấp quốc gia, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
+ Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 09 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm, khắc phục sự cố môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 Điều này;
+ Buộc chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố chất thải, chi phí phục hồi môi trường đối với các vi phạm quy định tại điểm h khoản 1 Điều này.
Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế tài xử phạt?
Căn cứ Điều 41 Nghị định 45/2022/NĐ-CP (có hiệu lực 25/08/2022) quy định về nội dung trên như sau:
Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
- Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 09 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm, khắc phục sự cố môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại các khoản 2 và 4 Điều này gây ra.