Quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục hải quan trong việc thông quan hàng hóa như thế nào?
Nội dung chính
Quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục hải quan trong việc thông quan hàng hóa như thế nào?
Việc thông quan hàng hóa được quy định tại Điều 34 Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
Thông quan hàng hóa được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Luật Hải quan, khoản 2 Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Hàng hóa được thông quan trong các trường hợp sau đây:
a) Hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan;
b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan khi được xác định:
b.1) Được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn tại Điều 42 Thông tư này; hoặc
b.2) Thuộc diện phải nộp thuế trước khi thông quan mà chưa nộp, hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế phải nộp nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp.
c) Thiếu một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan nhưng được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan đồng ý cho gia hạn thời gian nộp bản chính theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP;
d) Hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành được thông quan khi hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định và có một trong các chứng từ dưới đây:
d.1) Giấy thông báo miễn kiểm tra;
d.2) Kết quả kiểm tra chuyên ngành đáp ứng yêu cầu quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành;
d.3) Kết luận của cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với lô hàng được phép nhập khẩu.
đ) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa nộp thuế, trong thời gian chờ làm thủ tục xét miễn, miễn thuế, không thu thuế được thông quan trong trường hợp sau:
đ.1) Hàng hóa phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng, nộp đủ tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật (nếu có);
đ.2) Hàng hóa phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ khẩn cấp; hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại nộp đủ các loại thuế có liên quan theo quy định của pháp luật đối với trường hợp thuộc đối tượng chịu thuế;
đ.3) Hàng hóa được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về số tiền thuế chưa được thanh toán từ ngân sách nhà nước.
2. Quyết định thông quan hàng hóa
a) Nếu kết quả kiểm tra phù hợp, Hệ thống tự động kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ về thuế và quyết định thông quan;
b) Trường hợp Hệ thống không tự động kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ về thuế, người khai hải quan nộp chứng từ chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ về thuế (giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, chứng từ bảo lãnh,…) để công chức hải quan kiểm tra và xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế: nộp bản chụp, xuất trình bản chính để đối chiếu;
c) Đối với khai tờ khai hải quan giấy:
c.1) Công chức hải quan đăng ký tờ khai hải quan quyết định thông quan đối với hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa;
c.2) Trường hợp lô hàng thuộc tờ khai hải quan phải kiểm tra thực tế:
c.2.1) Công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa quyết định thông quan đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra thực tế;
c.2.2) Trường hợp lô hàng do Chi cục Hải quan khác kiểm tra thực tế theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai, căn cứ kết quả kiểm tra thực tế do Chi cục Hải quan nơi kiểm tra thực tế hàng hóa gửi đến, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai quyết định thông quan hàng hóa.
Trên đây là nội dung quy định về việc thông quan hàng hóa. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 38/2015/TT-BTC.